Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

10:03, 19/03/2020

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Hiện Nhà nước đang chỉ đạo ngành ngân hàng nhanh chóng xem xét, triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Hiện Nhà nước đang chỉ đạo ngành ngân hàng nhanh chóng xem xét, triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất cần được tiếp sức để vượt qua khó khăn. Ảnh: V.Gia
Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất cần được tiếp sức để vượt qua khó khăn. Ảnh: V.Gia

* Doanh nghiệp nhỏ cầm cự trong mùa dịch

Ông Trịnh Xuân Toàn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (H.Cẩm Mỹ), chuyên sản xuất và xuất khẩu hạt điều cho hay, từ sau Tết đến nay, thị trường Trung Quốc biến động, ngưng nhập hàng nên DN gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó để tồn tại.

“Do biến động thị trường, hàng tồn kho cũng nhiều nên chúng tôi buộc phải cho tạm ngừng sản xuất, chờ tình hình ổn định mới triển khai lại để giảm thiểu những thiệt hại” - ông Trịnh Xuân Toàn cho hay.

Dưới các áp lực, khó khăn bủa vây, vấn đề giãn, giảm thuế, có chính sách phù hợp về thuế thu nhập DN là mong mỏi của nhiều DN - vốn đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí để duy trì hoạt động rất lớn.

Là DN liên kết với nhiều HTX nông nghiệp để lo đầu ra cho nông sản, bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận
(H.Tân Phú) chia sẻ, điều mà DN mong muốn trong lúc này là giãn thời gian đóng thuế.

“Hiện tại, do hàng hóa nông sản không xuất được theo đường cửa khẩu sang Trung Quốc như dự kiến trước Tết và áp lực chi phí nhân công, chúng tôi mong có chính sách chậm thời gian nộp thuế và sớm được áp dụng để hỗ trợ DN” - bà Nhung nói.

Để hạn chế tối đa thiệt hại, tạm đóng cửa hàng, xưởng sản xuất, giảm nhân viên là phương án mà nhiều DN nhỏ lựa chọn. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) với trên 1.200 DN, trong đó 75% là DN có quy mô lao động dưới 100 người thì các biện pháp phản ứng hiện nay là cắt giảm lao động (39%), chi phí (21%), cho nhân viên nghỉ không lương (4%) và tạm dừng kinh doanh (4%).

* Ngân hàng xây dựng các kịch bản hỗ trợ DN

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, dự kiến có khoảng 950 ngàn tỷ đồng dư nợ tín dụng có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chiếm khoảng 13% dư nợ của các tổ chức tín dụng. Để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, NHNN đang kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền ước tính ở mức 285 ngàn tỷ đồng. Trước mắt, nhiều đơn vị đã đồng loạt có các chương trình giảm lãi vay cho các DN đang gặp khó khăn.

Là đơn vị đưa ra sớm nhất các chương trình hỗ trợ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD. Thời gian triển khai giảm lãi suất vay này áp dụng đến hết 30-6, hoặc đến khi hết quy mô gói hỗ trợ.

Theo lãnh đạo BIDV chi nhánh Đồng Nai, BIDV đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống có chương trình hỗ trợ đối với khách hàng kinh doanh xuất nhập khẩu có đối tác là Trung Quốc. Bên cạnh đó, những DN có công nhân nghỉ việc, khó khăn thì ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai, ngay từ đầu NHNN đã đề xuất các tổ chức tín dụng xây dựng các chương trình, các kịch bản hành động nhằm hỗ trợ DN. Trong đó có cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, đồng thời cung cấp cả các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng cũng chủ động liên hệ khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất để giao dịch điện tử”.

“Riêng các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc lĩnh vực ưu tiên nên ngân hàng chủ động trong cho vay, hỗ trợ. Chúng tôi đề nghị các ngân hàng quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, mặc dù thương mại du lịch không nằm trong lĩnh vực ưu tiên nhưng vẫn xem xét cơ cấu miễn giảm lãi trên cơ sở hợp đồng tín dụng đã ký từ trước” - ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.

NHNN sẽ theo dõi sát sao về tình hình, chung tay chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng với cộng đồng DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mục đích là không để tình trạng các ngân hàng “công bố cho có” rồi không thực hiện, hoặc công bố các chương trình hỗ trợ rất lớn chỉ để quảng bá thương hiệu mà không thực sự hỗ trợ DN.

Hàng chục ngàn khách hàng được xem xét giảm lãi vay

Báo cáo bước đầu của NHNN cho thấy, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho khoảng 8 ngàn khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đang xem xét miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185 ngàn tỷ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới, cho vay mới cho khoảng 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24 ngàn tỷ đồng...

Văn Gia

Tin xem nhiều