Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm hàng ngàn tỷ đồng cho các công trình, dự án

08:03, 23/03/2020

Với giá đất mới của giai đoạn 2020-2024, nhiều dự án đang làm hồ sơ, thiết kế, mời gọi nhà thầu hoặc đang thi công sẽ phải điều chỉnh thêm từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện quy hoạch gần 1.870 công trình, dự án. Trong đó, có dự án đang ở khâu hoàn thành hồ sơ, thiết kế, mời gọi nhà thầu hoặc đang thi công. Tuy nhiên với giá đất mới của giai đoạn 2020-2024, nhiều dự án sẽ phải điều chỉnh thêm từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa sẽ nối với đường Đặng Văn Trơn ở P.Hiệp Hòa. Ảnh: H.Giang
Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa sẽ nối với đường Đặng Văn Trơn ở P.Hiệp Hòa. Ảnh: H.Giang

Tuy giá đất bồi thường được tính riêng theo từng dự án, song vẫn phải dựa vào bảng giá đất do tỉnh ban hành để tính thêm các khoản hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng tăng. Do đó, chủ đầu tư phải tính toán lại tổng chi phí cho từng dự án.

* Dự án kéo dài, vốn tăng cao

Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, dự án kéo dài từ 5-8 năm mới hoàn thành, theo đó, tổng kinh phí thực hiện cũng sẽ bị đội lên khá cao so với ước tính ban đầu. Nguồn kinh phí thực hiện dự án sẽ tăng ở phần xây lắp, bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số khâu khác. Tuy nhiên, phần vốn bị đội lên nhiều chủ yếu là do bồi thường. Vì theo quy định của Chính phủ, mỗi năm tỉnh phải ban hành hệ số giá đất mới một lần và hệ số này thường năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 chia sẻ: “Công ty đang triển khai một số dự án trên địa bàn Đồng Nai và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, sau đó mới tiến hành kiểm kê đất đai và bồi thường. Tuy nhiên, giá đất mới cao sẽ khiến cho công ty tốn thêm một khoản chi phí lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất”. Cũng theo ông Đạt, vốn đầu tư cho các dự án sẽ tăng thêm cả trăm tỷ đồng/dự án so với tính toán ban đầu và nếu dự án càng kéo dài, chi phí đầu tư sẽ càng gia tăng.

Với các công trình, dự án của những doanh nghiệp tư nhân, vốn đầu tư tăng thêm sẽ được tính vào giá thành của sản phẩm để bán hoặc cho thuê lại. Thế nhưng, với những công trình đầu tư công thì nguồn vốn tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của tỉnh, địa phương.

Đơn cử như dự án Đường ven sông Cái, dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa tăng thêm gần 800 tỷ đồng chỉ trong vài tháng. Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “Tổng mức đầu tư của 2 dự án Đường ven sông Cái, Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa tăng thêm gần 400 tỷ đồng/dự án nhưng chủ yếu ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án trên sẽ lấy từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, vốn ngân sách. Nguồn vốn đầu tư cho dự án tăng thêm, tỉnh sẽ phải cân đối lại vốn đầu tư công cho phù hợp”.

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự án Đường ven sông Cái có tổng vốn đầu tư là 3.587 tỷ đồng, nhưng hiện lên 3.960 tỷ đồng, tăng thêm hơn 370 tỷ đồng. Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 2.782 tỷ đồng, nhưng hiện phải điều chỉnh lên 3.131 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 15 - kỳ họp không thường kỳ HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã thông qua 2 dự án trên, trong đó có phần điều chỉnh vốn tăng.

* Không lo thiếu vốn đầu tư công

Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là gần 13,87 ngàn tỷ đồng. Trong đó, hơn 6,7 ngàn tỷ đồng dành cho dự án Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Số vốn đầu tư công còn lại được tỉnh phân bổ cho hàng trăm công trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn. Các dự án trọng điểm, cấp bách của tỉnh sẽ được ưu tiên nguồn vốn để triển khai nhanh, nếu chủ đầu tư có nhu cầu tăng vốn sẽ được UBND tỉnh xem xét, cân đối để bổ sung.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Dù các sở, ngành, địa phương đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng phải chú ý đến việc thực hiện các dự án trên địa bàn. Các chủ đầu tư công trình, dự án phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để đẩy nhanh các khâu hồ sơ, thiết kế, đấu thầu, bồi thường để có thể giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch UBND tỉnh đã giao”.

Thực tế, các dự án đầu tư công gồm có: đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước sạch, chống sạt lở bờ sông, suối, công trình thủy lợi... Đây đều là những công trình quan trọng, đầu tư đúng theo tiến độ sẽ góp phần giúp cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, vốn đầu tư công cho các công trình dự án của tỉnh năm 2020 không lo thiếu. Vì thế từ đầu năm, tỉnh đã đốc thúc các chủ đầu tư phải đưa ra giải pháp để tiêu thụ hết nguồn vốn đã bố trí cho từng công trình.

Ngoài ra, nhiều dự án, công trình khác đang thực hiện dự tính nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch ban đầu cũng sẽ tăng như: hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Long Thành (H.Long Thành), Hồ Gia Ui 2 (H.Xuân Lộc), nâng cấp mở rộng đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa)...

Hương Giang

Tin xem nhiều