Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêu dùng bền vững trong thương mại điện tử

04:03, 14/03/2020

Năm nay, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam(15-3) hướng tới chủ đề Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với một kênh bán hàng hiện đại, phù hợp với xu thế đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm nay, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam(15-3) hướng tới chủ đề Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với một kênh bán hàng hiện đại, phù hợp với xu thế đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Hình thức mua hàng trực tuyến ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là đối với các bạn trẻ. Ảnh: H. Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là đối với các bạn trẻ. Ảnh: H. Quân

* Tìm hiểu kỹ trước khi đặt hàng

Đối với người tiêu dùng, việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn rất nhiều khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay laptop, máy tính bảng có kết nối internet thì người dùng đều có thể mua sắm “thỏa sức” trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội...

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương thức này là độ xác tín về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… Người mua vẫn chủ yếu mua món hàng dựa trên cảm nhận hay độ tin cậy của kênh bán hàng trực tuyến. Do có tính đặc thù nên hiện nay công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát hoạt động thanh toán, giao hàng, kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng món hàng…

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên các đơn vị liên quan sẽ không tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam vào ngày 15-3. Thay vào đó, sẽ có buổi hội thảo chuyên đề với chủ đề Thương mại điện tử và tiêu dùng bền vững, dự kiến được tổ chức vào tháng 5-2020.

Chị Trần Kiều My (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi thường xuyên đặt mua hàng trên các kênh thương mại điện tử. Thông thường, tôi chọn mua các sản phẩm dựa trên những lời giới thiệu từ người bán cung cấp hoặc thấy phù hợp với túi tiền của mình thì mua, nhất là đối với các sản phẩm thời trang, hàng tiêu dùng. Đã có trường hợp, tôi mua phải món đồ không ưng ý hoặc không đúng như chất lượng quảng cáo”.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhận định, khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro như: mua phải hàng giả, hàng không đúng với quảng cáo, cam kết chất lượng, các vấn đề liên quan đến bảo hành, đổi trả sản phẩm...

Do đó, mỗi người cần là người tiêu dùng sáng suốt khi mua hàng trực tuyến. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm hàng hóa để đánh giá chuẩn xác trong việc lựa chọn hàng hóa.

“Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, tài chính của bản thân người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch trong thị trường, nhất là đối với thị trường thương mại điện tử vốn còn nhiều nhập nhằng” - ông Phạm Gia Hải nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai chia sẻ, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, đòi hỏi hóa đơn bán hàng, mã vạch, nhãn mác, chế độ hậu mãi… cùng các yếu tố liên quan thì sẽ hạn chế được việc mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng khi mua hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội.

Thêm vào đó, trong cuộc chiến chống hàng giả online, người tiêu dùng không nên đứng ngoài cuộc mà cần hợp tác chặt chẽ, cung cấp cho cơ quan chức năng những thông tin về hàng giả, hàng nhái khi mua hàng trực tuyến để hướng tới xu hướng tiêu dùng bền vững, lành mạnh…

* Kết nối cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát ứng dụng thương mại điện tử đối với 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh và các cá nhân là người đang sinh sống và làm việc trong tỉnh nhằm tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh.

Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến
Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến

Từ đó, Sở sẽ hướng tới xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai…

Ông Võ Văn Tỉnh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội...

Hơn thế nữa, Cục sẽ chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin, tương tác với người dân thông qua các kênh trực tuyến để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát hiện hàng giả, tố giác những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử...

Trong các cuộc họp, hội nghị của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) thời gian qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh thường xuyên nhấn mạnh yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó cần lưu ý những “biến tướng” trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến...

Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành nhiều phương thức tuyên truyền như: tổ chức tuyên truyền lưu động trên xe thông tin, treo hơn 450 băng-rôn dọc tại các tuyến đường phố chính của 11 đơn vị hành chính trong tỉnh về chủ đề Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, hướng tới tiêu dùng bền vững…

Hải Quân

Tin xem nhiều