Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ lực cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

03:03, 12/03/2020

Trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn,...

Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô và giữ tốc độ tăng trưởng. Trong đó, mới nhất là Chỉ thị 11 của Chính phủ với gói tài chính lên tới hơn 280 ngàn tỷ đồng được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế.

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng cần đến sự trợ giúp của Nhà nước. Ảnh: Vương Thế
Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng cần đến sự trợ giúp của Nhà nước. Ảnh: Vương Thế

[links()]Giải pháp đã có, song nhu cầu trước mắt của cộng đồng DN là những giải pháp phải được triển khai một cách cấp tốc bởi hàng loạt DN có nguy cơ bị phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời.

* Sản xuất lao đao vì dịch

Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trên 1.200 DN về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh mới đây cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, có 74% DN trong số đó cho biết sẽ phá sản. Con số trên thật sự đáng báo động.

Hàng loạt DN, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như: trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% DN mất 20-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Tại Đồng Nai, cùng chung hoàn cảnh như cả nước, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch, DN sản xuất cũng đang phải chật vật để tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,91 tỷ USD, chỉ tăng 2,83% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các mặt hàng nông sản, may mặc, giày da xuất sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Mặt khác, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành dệt may, điện tử cũng chủ yếu nhập từ thị trường này, nay tạm ngưng nhập làm cho sản xuất giảm sút, kéo theo xuất khẩu cũng giảm.

Với các DN sản xuất trong nước, nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Dưới tác động của dịch, các thị trường nhập khẩu chính của Đồng Nai là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoạt động sản xuất cầm chừng. Dự báo đến hết tháng 3, nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, sự gián đoạn thương mại Việt - Trung kéo dài thì ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng lớn, đây là ngành chiếm tới 33,63% tổng giá trị ngành công nghiệp của Đồng Nai. Bên cạnh đó là nhóm ngành hóa chất - cao su - nhựa… cũng chung cảnh thiếu nguyên liệu trong khi nguồn dự trữ cho sản xuất đã cạn. Với những tác động như trên, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo khó đạt mục tiêu đề ra.

* Có thể ùn ứ nông sản trên diện rộng

Tương tự, ngành nông nghiệp rất dễ chịu tổn thương trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu. Thiệt hại lớn đến đâu còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc.

Dệt may là một trong những ngành hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc Ảnh: VƯƠNG THẾ
Dệt may là một trong những ngành hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc Ảnh: Vương Thế

Là một đơn vị có tới 100 ha thanh long ruột đỏ, chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, theo ông Nguyễn Văn Nga, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại thanh long Xuân Hưng (H.Xuân Lộc), trong tháng 1, tháng 2, giá thanh long ruột đỏ chỉ vào khoảng 4-5 ngàn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá khoảng 30-40 ngàn đồng cuối năm 2019. Doanh thu của HTX giảm mạnh, trung bình mỗi kg, HTX đang phải bù lỗ 10 ngàn đồng cho các chi phí về vật tư, chăm sóc, nhân công. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn HTX có khoảng 1 ngàn tấn thanh long bị tồn đọng, tương ứng với khoảng 10 tỷ đồng bù lỗ.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, trong ngắn hạn, khả năng dư thừa các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai là rất cao. Cụ thể, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì khả năng đến tháng 5, sản lượng xoài tiêu thụ nội địa chỉ giải quyết được khoảng 20% sản lượng, sản lượng xoài thừa lên đến 85 ngàn tấn; chuối thừa 75-80 ngàn tấn; các mặt hàng nông sản khác như mít, sầu riêng, chôm chôm cũng thừa mỗi loại vài ngàn tấn. Như vậy, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5, trái cây của Đồng Nai có thể thừa từ 65-70 ngàn tấn mỗi tháng, sau đó sẽ giảm.

Với những DN sản xuất có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng do tình hình chung của các nước đầu tư và việc hạn chế đi lại của công dân đến từ vùng dịch bệnh.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, tác động của dịch có thể mới bắt đầu. Tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn khi từ tháng 3, các DN hết nguyên liệu dự trữ để sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản xuất ngành công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu...

* DN ngóng “liều thuốc cấp cứu”

Ngày 6-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, cung cấp gói tín dụng 250 ngàn tỷ đồng, hỗ trợ thuế 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ DN cả nước đối phó, giảm thiệt hại do sự tác động của dịch gây ra.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng cho giải pháp này.

Bộ Tài chính cũng đang lên kế hoạch để thực hiện gói hỗ trợ thuế, giảm thuế, giãn thuế cho DN trị giá 30 ngàn tỷ đồng.

Những quyết định nêu trên rất cần thiết, kịp thời, thậm chí là cấp bách để “cấp cứu” DN. Tuy nhiên, yêu cầu của nó là phải thực hiện nhanh chóng để DN có thể cầm cự được qua mùa dịch. Các DN cho biết họ rất mong ngóng gói hỗ trợ này được triển khai.

“Chúng tôi mong muốn các ngành, cơ quan chức năng và địa phương có phương án hỗ trợ vào thời điểm này, nhất là việc hỗ trợ chi phí vật tư, chăm sóc… để giảm thiểu thiệt hại” - ông Nguyễn Văn Nga, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại thanh long Xuân Hưng bày tỏ.

Tương tự, một DN ngành hàng thời trang ở Biên Hòa theo kế hoạch sẽ khai trương thêm một xưởng sản xuất và cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm vào đầu tháng 3 nhưng nay đã buộc phải hoãn lại. Chủ DN này cho hay, tác động của dịch khiến cho doanh số sụt giảm mạnh, DN đành phải cầm cự để có thể triển khai các bước tiếp theo.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động lên các DN sản xuất mà còn cả những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Đại diện Phòng Kinh doanh của Công ty CP thương mại dịch vụ du lịch Biên Hòa Tourist cho hay, trung bình mỗi tháng công ty phải bù lỗ từ 100-150 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên để duy trì, đảm bảo hoạt động. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách của công ty hiện giảm gần 100%.  Do đó, cần có chính sách giãn nợ, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cũng như phương án cho vay vốn với lãi suất 0% trong khoảng thời gian dịch bệnh vì đây là thời gian một số DN gần như không có nguồn thu…

Hỗ trợ tài chính là trước mắt. Tuy nhiên, một vấn đề cấp thiết không kém là định hình lại nền kinh tế, theo đó cộng đồng DN mong Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước. Tìm cách kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các DN và hiệp hội DN trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác, tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các nước, các khu vực.

Hơn 16 ngàn DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 2-2020. Số liệu được cung cấp cho thấy, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, trong 2 tháng gần đây, do tác động của bệnh dịch, có gần 16,2 ngàn DN tạm dừng việc kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Bộ KH-ĐT dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể chỉ đạt 6,25% trong năm 2020, thấp hơn mức 7,02% của năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đào Lê - Hoàng Hải

Tin xem nhiều