Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai xuất siêu hơn 1 tỷ USD

09:04, 02/04/2020

Trong quý I-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song điều đáng mừng là kim ngạch xuất siêu của tỉnh vẫn đạt hơn 1,1 tỷ USD,...

Trong quý I-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song điều đáng mừng là kim ngạch xuất siêu của tỉnh vẫn đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và bằng gần 40% xuất siêu của cả nước. Như vậy, kết thúc quý I-2020, Đồng Nai lại ghi nhận kỷ lục mới về xuất siêu.

Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, quý I-2020, Đồng Nai xuất khẩu gần 4,58 tỷ USD và nhập khẩu 3,47 tỷ USD. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu chủ lực là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy tính, điện tử và linh kiện.

* 5 mặt hàng đầu bảng xuất siêu

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có 5 mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất siêu gồm: giày dép, sản phẩm gỗ, dệt may, xơ sợi dệt và cà phê.

Các mặt hàng trên có tổng kim ngạch xuất siêu khoảng 1,82 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là giày dép với 886,5 triệu USD; tiếp đến là sản phẩm gỗ với 286 triệu USD; dệt may cũng đạt gần 262 triệu USD; xơ sợi dệt 246,2 triệu USD và cà phê xuất siêu gần 159 triệu USD. Hàng hóa của Đồng Nai hiện đang xuất sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ông Lý Thiên Thất, Tổng giám đốc Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ gia dụng xuất khẩu sang nhiều nước. Do nguồn cung nguyên liệu trong nước khá dồi dào, công ty ít phải nhập khẩu nên công ty chủ động sản xuất tốt hơn và góp phần tăng xuất siêu của Đồng Nai”.

Các doanh nghiệp hiện đang góp phần lớn lập nên kỷ lục xuất siêu của tỉnh là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty TNHH Formosa, Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Công ty TNHH Hwaseung Vina...

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Hơn 90% sản phẩm của công ty được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và một số thị trường khác. Tuy dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi, song chủ yếu khó khăn ở khâu vận chuyển các đơn hàng bằng đường hàng không vì nhiều chuyến bay bị hủy, nhưng sản xuất, xuất khẩu vẫn tương đối ổn định”.

* Cơ hội tăng nguồn cung

Khi xảy ra đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, nguồn cung nguyên liệu từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc bị hạn chế, các doanh nghiệp quay về tìm nguồn nguyên liệu nội địa để bù đắp. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất đầu vào trên địa bàn tỉnh dễ dàng hơn trong việc tìm thêm đối tác để bán hàng. Đây cũng là lý do giúp cho kim ngạch xuất siêu của Đồng Nai trong 3 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 và cả những năm trước đó.

Theo ông Wu Minh Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Đồng Nai đều muốn tìm nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm chủ động sản xuất và đảm bảo quy định về nội địa hóa sản phẩm. Như vậy, sản phẩm xuất vào các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ những nước khác.

Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp tại Đồng Nai sản xuất nguyên liệu đầu vào thì trong các tháng 2 và 3-2020, khá nhiều doanh nghiệp vẫn có thêm đơn đặt hàng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phải từ chối bớt đơn hàng do yêu cầu của đối tác là thời gian ngắn, chất lượng đảm bảo nên các doanh nghiệp chưa đáp ứng được.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo kết nối để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở NN-PTNT, Sở Y tế và các cơ quan liên quan kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản, các nguyên liệu cho hoạt động sản xuất vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, các sở, ngành phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong phòng, chống dịch như: khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế. Ngoài ra, cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ, chế biến trong nước các mặt hàng nông thủy sản, trái cây xuất khẩu giảm sút do tác động của dịch Covid-19.

Khánh Minh

Tin xem nhiều