Báo Đồng Nai điện tử
En

'Hậu kiểm' thành lập doanh nghiệp

09:04, 06/04/2020

Đầu năm 2020, chuyện một doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập với số vốn lên tới 144 ngàn tỷ đồng ở Hà Nội, gấp nhiều lần vốn điều lệ của các tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam đã làm xôn xao dư luận. Câu chuyện gợi lên vấn đề quản lý DN sau thành lập để có được đội ngũ DN nhiều nhưng đảm bảo chất lượng.

Đầu năm 2020, chuyện một doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập với số vốn lên tới 144 ngàn tỷ đồng ở Hà Nội, gấp nhiều lần vốn điều lệ của các tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam đã làm xôn xao dư luận. Câu chuyện gợi lên vấn đề quản lý DN sau thành lập để có được đội ngũ DN nhiều nhưng đảm bảo chất lượng.

Quản lý chặt doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập góp phần tạo nên cộng đồng doanh nghiệp mạnh về chất (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia
Quản lý chặt doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập góp phần tạo nên cộng đồng doanh nghiệp mạnh về chất (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia

Tại Đồng Nai, theo Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), trường hợp tương tự cũng đã xảy ra, song việc hậu kiểm DN sau thành lập được thực hiện tương đối chặt chẽ, hạn chế tình trạng vốn điều lệ ảo.

* Vốn điều lệ “khủng” và rủi ro cho nền kinh tế

Tại Việt Nam, tự do kinh doanh là một quyền quan trọng đã được quy định trong Hiến pháp, vì thế, chuyện DN đăng ký thành lập với số vốn bao nhiêu là quyền của DN. Việc thúc đẩy kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân cũng như cách quản lý nhà nước, làm giảm thiểu tối đa các hàng rào gia nhập thị trường đã tạo điều kiện cho thành lập DN được dễ dàng.

Sự thông thoáng về môi trường đầu tư đã giúp cộng đồng DN Việt ngày càng đông về số lượng. Riêng năm 2019, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường là 177,5 ngàn, tăng 7,4% so với năm 2018, là mức cao nhất so với các năm trước. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.

Dù tình hình kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, quý I-2020, cả nước vẫn có 29,7 ngàn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 351,4 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 ngàn lao động. Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 11,8 tỷ đồng.

Những con số trên khá ấn tượng, song trở lại câu chuyện một DN thành lập mới đăng ký số vốn lên tới 144 ngàn tỷ đồng, trong khi cả nước, quý I số vốn đăng ký chỉ hơn 351 ngàn tỷ đồng là một sự bất thường. Cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện và buộc DN này phải đăng ký lại với số vốn thực chất, quy mô mà họ có, tuy nhiên điều này cũng dấy lên sự lo ngại.

Theo ông Bùi Thanh Tiền, Giám đốc Công ty CP  Asadolaw, chuyên cung cấp các giải pháp tư vấn, quản lý DN thì việc một DN mới thành lập nhưng lại có số vốn “khủng” không loại trừ những động cơ nhất định, điều này tạo rủi ro cho nền kinh tế. Có thể, DN đó sẽ dùng hồ sơ “khủng” tạo lòng tin, vẽ ra các dự án lớn rồi thu hút, bán cổ phần cho nhà đầu tư cá nhân, hứa hẹn sẽ trả cổ tức cao, mua lại bất cứ khi nào nhà đầu tư muốn bán, và cổ phần sẽ tăng giá gấp nhiều lần. Sau đó, dần dần bắt các cổ đông phải góp vốn, góp tài sản vào công ty mẹ. Từ một công ty ba không, DN này dần dần có cổ phần trong các công ty con của cổ đông… và có thể đối phó được với những cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Đơn cử như Công ty CP Địa ốc Alibaba “vẽ” ra số vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt) và từ hàng chục dự án “ma”. Hàng ngàn nhà đầu tư đã sập bẫy DN này và góp tiền cho Alibaba để mua đất dự án. Cơ quan chức năng xác định, Alibaba đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 2.500 tỷ đồng của đối tác góp vốn.

* Siết chặt công tác hậu kiểm

DN đăng ký vốn “khủng” nhưng thực chất lại là công ty không có tiềm lực thì không chỉ dừng lại ở sự gian dối của DN mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách chung của Nhà nước, dẫn đến việc chính sách bị lợi dụng sai mục đích. Chưa kể, việc khai vốn ảo có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về nền kinh tế ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến việc ban hành chính sách hoặc các mục tiêu phát triển tương ứng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế những DN “trời ơi” như vậy, thông qua hệ thống đăng ký quản lý kinh doanh tập trung, cơ quan quản lý có thể giám sát, phát hiện ra những dấu hiệu nghi ngờ khai báo về vốn không trung thực. Đây cũng là trường hợp để khi sửa đổi Luật DN, các nhà làm luật cần điều chỉnh để không xảy ra những trường hợp tương tự.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho hay tại Đồng Nai cũng đã xảy ra hiện tượng trên, tuy số vốn đăng ký không “khủng” bằng trường hợp ở Hà Nội.

Theo ông Nguyên, hiện Luật DN quy định các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, trừ trường hợp điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Nếu DN không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Đồng thời, DN cũng phải khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.

“Chúng tôi rất chú trọng đến tính xác thực của thông tin mà DN đăng ký thành lập. Số vốn điều lệ đăng ký là tùy vào DN nhưng nếu thấy bất thường sẽ đặc biệt lưu ý. DN cũng phải góp đủ vốn đăng ký theo quy định của Luật DN. Nếu chỉ đăng ký mà không thực hiện nghĩa vụ thì thu hồi chứng nhận đăng ký DN và bị xử lý theo pháp luật” - Phó giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích