Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm lớn trên những 'đại công trường'

04:04, 30/04/2020

Trong 45 năm, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là 5 năm gần đây, Đồng Nai đã đầu tư phát triển vượt bậc về hạ tầng với hàng loạt các dự án trọng điểm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh...

Trong 45 năm qua kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 5 năm gần đây được đánh giá là khoảng thời gian Đồng Nai đầu tư phát triển vượt bậc về hạ tầng với hàng loạt các dự án trọng điểm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đang thực hiện trên địa bàn.

Phương tiện cơ giới thi công dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Q. Nhi
Phương tiện cơ giới thi công dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Q. Nhi

Năm 2020 là năm ghi dấu mốc đặc biệt đối với Đồng Nai và cả nước vì là năm “chốt” của giai đoạn 2015-2020, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Khắp Đồng Nai xuất hiện những “đại công trường”, ngày đêm xây dựng các hạng mục quan trọng của sân bay, đường cao tốc, cầu vượt, cảng… Các dự án lớn đã và đang được triển khai ráo riết với mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai “vươn mình” trong tương lai không xa.

* Những công trường sôi động

Hơn 1 tuần qua, trên công trường xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành), nhà thầu thi công đã huy động rất nhiều phương tiện cơ giới để thi công các hạng mục san nền, xây dựng các tuyến đường giao thông và hệ thống thoát nước của khu tái định cư này.

Trước đó, vào ngày 20-4, Đồng Nai đã chính thức khởi công thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, đánh dấu “dấu mốc” quan trọng đối với dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Bởi, đây là hạng mục xây dựng đầu tiên trên thực địa của “siêu” dự án này được triển khai thực hiện. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sẽ là nơi ở mới của hàng trăm hộ dân “nhường” đất để xây dựng sân bay Long Thành.

Hiện nay, Đồng Nai đang tăng tốc hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công thêm hàng loạt công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn như: đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; hương lộ 2; đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn)…

Ngoài dự án trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đang có nhiều dự án tầm quốc gia khác đang được triển khai thực hiện như: dự án xây dựng, mở rộng nút giao Dầu Giây, H.Thống Nhất; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành.

Các dự án này dù gặp những khó khăn về mặt bằng và nguồn vốn nhưng các chủ đầu tư vẫn đang thực hiện các giải pháp gỡ khó, đảm bảo thi công trên công trường. Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cho hay, dù đang gặp khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên, đơn vị vẫn đang đề nghị các nhà thầu tổ chức thi công các hạng mục công trình nhằm đảm bảo tiến độ.

Năm 2020, Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện hơn 180 dự án bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó có một số dự án chuyển tiếp từ những năm trước sang 2020. Hiện nay, nhiều dự án đã được triển khai thực hiện.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, dù đang gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vấn đề mặt bằng thi công nhưng với những dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đã được khởi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh vẫn yêu cầu các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ thực hiện. “Yêu cầu cao nhất là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ các công trình, dự án” - ông Trần Văn Thanh cho biết.

Đảm bảo tiến độ và đẩy nhanh tiến độ là yêu cầu chung của UBND tỉnh đối với các công trình, dự án đang được triển khai thực hiện trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã cụ thể hóa điều này bằng yêu cầu phải thực hiện “làm ngày, làm đêm” đối với các nhà thầu thi công các công trình, dự án.

Để giám sát chặt tiến độ, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng sơ đồ Gantt (một phương pháp lập danh mục những công việc cần làm theo thứ tự thực hiện của kế hoạch, ghi rõ ai làm và thời gian thực hiện) nhằm hoàn thành khối lượng công việc rất lớn đã đề ra.

* Kiến tạo động lực phát triển mới

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng tại tỉnh Đồng Nai, nhằm phát triển ngành vận tải hàng không Việt Nam, giúp tăng cạnh tranh quốc tế, tăng kết nối Việt Nam với thế giới.

Công trường thi công dự án Trung tâm Hành chính công TP.Biên Hòa
Công trường thi công dự án Trung tâm Hành chính công TP.Biên Hòa

Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, một thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Với vị trí đó, sân bay Long Thành được định hướng trở thành một cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á, góp phần thu hút vốn đầu tư trên mọi lĩnh vực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.

Không những vậy, với “tầm vóc” của mình, sân bay Long Thành còn được kỳ vọng sẽ tạo ra một thành phố sân bay (airport city) trong tương lai không xa.

Tương tự, các dự án khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá về giao thông, hạ tầng.

Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Tuyến đường cao tốc này sẽ nối trực tiếp với mạng cao tốc, quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành. Từ đó sẽ thúc đẩy, phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển và tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam.

Những năm qua, Đồng Nai đã có sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc chủ yếu nhờ phát triển công nghiệp. Trong khi đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông và hạ tầng kết nối còn hạn chế. Do đó, với hàng loạt dự án, đặc biệt là các dự án về hạ tầng, giao thông đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới, được kỳ vọng sẽ kiến tạo nên những động lực phát triển mới cho Đồng Nai trong tương lai.

Với ý nghĩa đó, việc đảm bảo và tăng tiến độ thi công các công trình dự án sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và khai thác tốt hơn những thời cơ, tiềm năng vốn có để Đồng Nai phát triển. “Các công trình, dự án hoàn thành sớm ngày nào thì cơ hội để Đồng Nai tăng tốc phát triển sẽ sớm ngày đó” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo UBND tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện hơn 180 dự án đầu tư công (gồm cả những dự án chuyển tiếp từ những năm trước) với nguồn vốn dự kiến hơn 14 ngàn tỷ đồng, tăng trên 3 ngàn tỷ đồng so với năm 2019. Nguồn vốn này sẽ được lấy từ nguồn ngân sách tập trung, xổ số kiến thiết, khai thác quỹ đất, ngân sách trung ương và được phân bổ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cùng 11 huyện, thành phố trong tỉnh.

Phần lớn dự án thực hiện năm 2020 về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như: mở rộng nâng cấp đường; làm hồ, hệ thống thủy lợi; xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập. Các địa phương có số lượng dự án nhiều gồm: TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất.

Trong số này có nhiều dự án lớn, trọng điểm như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay quốc tế Long Thành; đường kết nối từ cao tốc Bến Lức - Long Thành vào cảng Phước An (H.Nhơn Trạch); đường tỉnh 763 nối H.Xuân Lộc và H.Định Quán; đường ven sông Đồng Nai.

Riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao nguồn vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng để thực hiện 76 công trình, dự án thuộc 8 lĩnh vực. Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai nhanh các dự án, năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng hạ tầng tái định cư trước một bước; đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các dự án thi công.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều