Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện sinh hoạt giảm giá, chưa giảm tiền

11:05, 14/05/2020

Theo phản ảnh của nhiều hộ gia đình, mặc dù được giảm 10% giá điện sinh hoạt theo chương trình hỗ trợ đợt dịch Covid-19 của Chính phủ, nhưng hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5 vẫn không giảm,...

Theo phản ảnh của nhiều hộ gia đình, mặc dù được giảm 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (từ 0kWh đến 300kWh) theo chương trình hỗ trợ đợt dịch Covid-19 của Chính phủ, tuy nhiên, hóa đơn tiền điện kỳ tháng 5 vẫn không giảm, thậm chí nhiều hộ còn tăng nhẹ so với kỳ hóa đơn tháng 4.

Người dân cùng cán bộ ngành Điện đi kiểm tra công tơ điện ở xã Sông Trầu, H.Trảng Bom ngày 13-5. Ảnh: L.An
Người dân cùng cán bộ ngành Điện đi kiểm tra công tơ điện ở xã Sông Trầu, H.Trảng Bom ngày 13-5. Ảnh: L.An

* Giá giảm, hóa đơn tăng

Mặc dù đã được giảm hơn 100 ngàn đồng, tuy nhiên, hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình ông Ngô Sỹ Kỳ, KP.5, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) vẫn tăng so với tháng trước. Ông Kỳ cho biết, từ kỳ hóa đơn tháng 3 trở về trước, trung bình mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ khoảng 800 ngàn đồng tiền điện, nhưng đến kỳ hóa đơn tháng 4 tăng vọt lên 1,1 triệu đồng và kỳ hóa đơn gần đây nhất tăng lên 1,2 triệu đồng, tương đương mức tăng 30%/tháng trong 2 tháng liền.

Anh Phạm Văn Thanh, KP.3, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phản ảnh, kỳ hóa đơn điện tháng 5 của gia đình là gần 2 triệu đồng, tăng 200 ngàn đồng so với kỳ hóa đơn tháng 4. “Gia đình tôi sử dụng 3 máy lạnh, một số thiết bị điện thiết yếu khác. Các thiết bị sử dụng điện không tăng so với tháng trước nhưng hóa đơn vẫn tăng đều, tuy nhiên mức tăng không “đột biến” như kỳ hóa đơn tháng 4-2020” - anh Thanh cho hay.

Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Thêm, KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cũng ghi nhận hóa đơn điện tăng gần 60 ngàn đồng. Bà Thêm băn khoăn, tháng 4 vừa được giảm 10% tiền điện, vừa có con đi học nên đáng lẽ tiền điện phải giảm. Nhiều hộ gia đình cũng ghi nhận mức tăng từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng dù được giảm giá.

Tại KP.11A, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), gia đình anh Vũ Văn Nhi vừa phải thanh toán 1,1 triệu đồng tiền điện sinh hoạt kỳ tháng 5, tăng 400 ngàn đồng so với kỳ tháng 4, tăng 700 ngàn đồng so kỳ tháng 3. Anh Nhi cho biết, hai vợ chồng làm công nhân đi suốt ngày, chỉ có con ở nhà dùng quạt, tủ lạnh và tối đến sử dụng nồi cơm điện nấu cơm nhưng vẫn phải chi cả triệu đồng tiền điện. “Không biết nhà khác có được giảm không chứ nhà tôi thấy tăng gấp đôi” - anh Nhi cho hay. Anh Nhi chưa đủ điều kiện được cung cấp điện nên phải đấu nối điện từ một hộ khác hơn 10 năm nay. Anh Nhi phải chịu mức giá cao nhất sau khi trừ đi điện năng tiêu thụ của hộ chính. Nhiều trường hợp ở khu phố này còn chịu mức “giá chết” từ 3-6 ngàn đồng/kWh. Do đó, càng sử dụng nhiều, hóa đơn tiền điện càng tăng.

* Nâng biểu giá bậc thang

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, trong 4 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt gần 4,5 triệu kWh, tăng 1,76% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, điện tiêu dùng ghi nhận mức tăng cao nhất gần 15%. Kỳ điện tháng 5 chưa thống kê đầy đủ nhưng mức tăng dự báo trên 10%, do trường học, các cơ sở kinh doanh tạm ngưng đóng cửa trước đây hoạt động trở lại.

Cũng theo ông Thành, Đồng Nai đang trải qua cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị như: máy lạnh, tủ lạnh, quạt làm mát. Trung bình mỗi năm, vào mùa khô sản lượng điện tiêu thu tăng khoảng 7-8%. Năm nay, cao điểm nắng nóng trùng với đợt giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 nên nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình tăng đột biến.

Còn về nguyên nhân giá điện giảm nhưng tiền không giảm, lãnh đạo ngành Điện cho rằng, đa phần các hộ gia đình sử dụng điện mức dưới 400kWh/tháng, hóa đơn kỳ tháng 5 sẽ giảm so với tháng 4. Những hộ gia đình sử dụng điện vượt mức 400kWh/tháng, hóa đơn sẽ tăng, mức tăng thực tế tùy theo điện năng tiêu thụ. Nguyên nhân là do từ sau bậc 4 (300kWh trở lên) đơn giá điện rất cao, chỉ cần tháng sau hơn tháng trước khoảng 100kWh giá điện tăng gần gấp đôi.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều người cho rằng, có phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hoặc nới khoảng cách giữa các bậc cho phù hợp với thực tế phát triển.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, nhất trí với phương án 5 bậc mà Bộ Công thương đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện mọi mặt, do đó nhu cầu tiêu dùng điện cũng tăng lên. Để đảm bảo mặt bằng chung, các đại biểu Quốc hội và một số cơ quan của tỉnh thống nhất đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện sinh hoạt theo hướng nới khoảng cách giữa các bậc.

Cụ thể, bậc 1 từ 0-150kWh, bậc 2 từ 151-300kWh, bậc 3 từ 301-500kWh, bậc 4 từ 501-700kWh, bậc 5 từ 701kWh trở lên. So với biểu giá cũ, bậc 4 ở biểu giá đề xuất tăng 400kWh. Như vậy sẽ có lợi hơn cho người dân và phù hợp với thực tế phát triển.

Lê An

Tin xem nhiều