Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo môi trường cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ phát triển

04:06, 12/06/2020

Lực lượng doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KHCN) được xác định có vai trò dẫn dắt, tạo ra xu hướng phát triển kinh tế mới trong tương lai. Đối với Việt Nam, đẩy mạnh phát triển DNKHCN còn là xây dựng cộng đồng DN mạnh, tham gia ngày càng sâu hơn vào cuộc chơi kinh tế toàn cầu.

Lực lượng doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KHCN) được xác định có vai trò dẫn dắt, tạo ra xu hướng phát triển kinh tế mới trong tương lai. Đối với Việt Nam, đẩy mạnh phát triển DNKHCN còn là xây dựng cộng đồng DN mạnh, tham gia ngày càng sâu hơn vào cuộc chơi kinh tế toàn cầu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (giữa) xem sản phẩm của một đơn vị sản xuất tham gia Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019. Ảnh: V. Gia
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (giữa) xem sản phẩm của một đơn vị sản xuất tham gia Hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019. Ảnh: V. Gia

Tuy nhiên, số lượng DN trên lĩnh vực này ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung còn rất khiêm tốn và cần được tạo cơ hội để phát triển.

* Số lượng DNKHCN còn ít

Theo thống kê của ngành KHCN, đến tháng 12-2019, cả nước có 468 DN được chứng nhận là DNKHCN, tạo việc làm cho gần 24 ngàn lao động. Đây là con số nếu xét về quy mô hướng tới tổng số 1 triệu DN trong năm 2020 của Việt Nam là quá ít. Tính riêng địa bàn Đồng Nai, số lượng DNKHCN được chứng nhận còn ít ỏi hơn, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện cả tỉnh mới có 4 DN được công nhận là: Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh); Công ty CP Công nghệ nhiệt mặt trời (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa); Công ty TNHH Hồ Giáp Việt (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) và Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, H.Tân Phú).

Bước chập chững trong lĩnh vực mới, hoạt động của các DN này còn gặp rất nhiều khó khăn. Công ty TNHH Hồ Giáp Việt là đơn vị mới nhất được cấp chứng nhận DNKHCN. Các mặt hàng chính của công ty là máy gieo hạt và bón phân, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Dù rất được người dân ở nhiều tỉnh, thành tin tưởng, đặt hàng, song do nguồn vốn có hạn nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ, chưa thể đầu tư dây chuyền sản xuất hàng loạt, lợi nhuận thu được thấp.

“Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp” - ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Giáp Việt bày tỏ.

Tương tự, Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno được thành lập từ năm 2015 với các sản phẩm chính bao gồm: cây giống sầu riêng DONA; cây giống chôm chôm DONA và phương pháp sử dụng thuốc trừ bệnh Agri-Fos 400 cho cây lúa, cao su, hồ tiêu, thanh long. Công ty hiện đang tạo việc làm cho trên 60 công nhân lao động. Tuy nhiên, DN vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc lập thủ tục miễn giảm tiền thuê đất.

Các đơn vị đang mong muốn được chứng nhận là DNKHCN cũng rất cần thông tin để thực hiện. Theo anh Đào Phan Thoại, chủ đơn vị sản xuất các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu KHCN như đông trùng hạ thảo, sản phẩm giò lụa sạch thì nếu được chứng nhận sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, trước mắt đơn vị vẫn đang từng bước cố gắng để đạt được doanh thu cũng như các điều kiện khác. Cơ sở sản xuất của anh mong được phổ biến, hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoàn thiện hồ sơ chứng nhận DNKHCN khi có đủ điều kiện.

* Xây dựng môi trường để DN “lớn”

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là khơi thông các nguồn lực để đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, hệ thống chính sách pháp luật về DNKHCN đang từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Nghị định số 13 về DNKHCN được Chính phủ ban hành tháng 3-2019.

Theo đó, điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận DNKHCN nhanh chóng, đơn giản hơn theo cơ chế hậu kiểm; căn cứ công nhận được mở rộng hơn về phạm vi lĩnh vực công nghệ và về loại hình kết quả nghiên cứu do tư nhân đầu tư nghiên cứu phát triển. Cơ chế ưu đãi cũng đã rõ ràng, minh bạch hơn như: miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DNKHCN. Các DNKHCN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và một số ưu đãi khác...

Ưu đãi về chính sách đã có nhưng như thực tế đã nêu ở trên, số lượng DNKHCN chưa nhiều và hoạt động của DN vẫn còn quá nhiều vướng mắc. Theo Sở KH-CN, để hỗ trợ, tạo môi trường cho DNKHCN phát triển, cần thêm các giải pháp cụ thể hơn như cho DN được miễn giảm tiền thuê đất để phát triển kết quả sản phẩm thuộc danh mục đã được cấp giấy chứng nhận DNKHCN. Xây dựng chính sách để DNKHCN dễ dàng thương mại hóa sản phẩm, cạnh tranh và có ưu thế hơn các sản phẩm cùng loại khác. Cụ thể như sản phẩm của các DN này được dán tem, được ưu tiên tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng, ưu đãi khi bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại...

Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình DNKHCN thông qua ngày hội khởi nghiệp và hội nghị, hội thảo; tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. “Sở  sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn hồ sơ thành lập DNKHCN cho các đơn vị có nhu cầu cũng như đơn giản hóa thủ tục thành lập DNKHCN. Tiếp tục thực hiện hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó tuyên truyền, thúc đẩy việc thành lập DNKHCN đối với các đơn vị, DN có đủ điều kiện” - bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho hay.

Văn Gia

Tin xem nhiều