Báo Đồng Nai điện tử
En

Để du lịch vườn phát triển căn cơ

04:07, 03/07/2020

Với lợi thế có những vùng trái cây ngon nức tiếng gần xa, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều nông dân cũng mạnh dạn khai thác những vườn cây ăn trái sẵn có để đầu tư làm du lịch.

Với lợi thế có những vùng trái cây ngon nức tiếng gần xa, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch nông nghiệp. Thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều nông dân cũng mạnh dạn khai thác những vườn cây ăn trái sẵn có để đầu tư làm du lịch.

Một điểm du lịch vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh:B. Nguyên
Một điểm du lịch vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh:B. Nguyên

Nhiều địa phương đang tập trung phát triển mô hình du lịch vườn, liên kết nông dân cùng làm du lịch để hình thành nên những “làng du lịch” ngày càng trù phú.

* Xây dựng làng du lịch kiểu mẫu

Ấp Cây Da, xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) đã trở thành điểm hẹn lý tưởng với du khách vào mỗi vụ trái cây hè. Ở đây không chỉ có lẻ tẻ vài nhà vườn làm du lịch mà nông dân cả ấp, cả xã cùng liên kết làm du lịch. Có thể nói đây là mô hình điểm của tỉnh Đồng Nai trong việc xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là nội dụng được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm triển khai trong thời gian tới. Trong đó, sự đa dạng các đặc sản du lịch sẽ được chú trọng đầu tư gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); gắn với sự kết nối giới thiệu các đặc sản riêng của nhiều địa phương như: Vĩnh Cửu, Long Khánh, Long Thành, Định Quán…

Anh Vũ Bảo Giang, Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc chia sẻ, từ đôi ba nhà vườn tổ chức đón khách du lịch về tham quan, từ năm 2019, Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc đã thành lập với 17 thành viên cùng nhau phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn thông qua các hoạt động tham quan, dịch vụ vườn. Đến nay, xã Bình Lộc đã có 94 nhà vườn tham gia chuỗi liên kết du lịch vườn với tổng diện tích khoảng 200ha. Nhiều nông dân giàu lên từ làm du lịch vườn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc Đoàn Thạch Nam cho biết, những năm trước đây, Bình Lộc từng là xã rất nghèo, từ khi phát triển mô hình du lịch vườn thì vùng đất này mới trù phú dần lên. Ban đầu, ấp Cây Da chỉ có đôi ba hộ làm du lịch vườn theo hướng tự phát rồi mới thành lập tổ hợp tác và ngày càng nhiều nông dân tham gia. Mô hình này phát huy hiệu quả cũng vì được nông dân đồng tình, ủng hộ. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước nhưng hiệu quả lớn nhất là góp phần thay đổi cách thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn.

Cả chính quyền địa phương lẫn nông dân đều nhận thức rõ, du lịch của Bình Lộc có phát triển và tồn tại được hay không đều xuất phát từ cái gốc sản xuất sạch, vì người tiêu dùng đến vườn, tin tưởng, ủng hộ sản phẩm an toàn thì mô hình này mới phát triển bền vững được. “Đảng ủy xã xác định phát triển mô hình du lịch vườn là lợi thế của địa phương và chọn ấp Cây Da làm mô hình điểm xây dựng làng du lịch kiểu mẫu” - ông Nam nói.

Theo UBND TP.Long Khánh, tính từ năm 2018 đến nay, các khu du lịch sinh thái vườn trên địa bàn TP.Long Khánh đã tiếp đón gần 100 ngàn lượt khách đến tham quan, thưởng thức các loại trái cây ngon. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái vườn ước đạt hơn 60 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái vườn tăng từ 120-140% (tăng từ 58 triệu đồng/ha đến 130 triệu đồng/ha) so với hoạt động nông nghiệp thuần túy.

* Để phát triển bền vững

Tuy nhiên, hoạt động của mô hình du lịch sinh thái vườn hiện còn mang tính tự phát với nhiều khó khăn như: chưa có quy hoạch vùng phát triển du lịch sinh thái vườn; các mô hình du lịch sinh thái vườn còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ đặc thù để phát triển bền vững; nông dân thiếu nguồn vốn đầu tư...

Ông Đoàn Thạch Nam cho biết thêm, du lịch vườn vẫn là mô hình mới mẻ với cả chính quyền địa phương lẫn nông dân tham gia; chưa có chính sách, cơ chế hỗ trợ; nông dân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư.

Muốn phát triển mô hình này bền vững phải có định hướng phát triển, có sản phẩm thực sự thu hút khách và xây dựng được chuỗi liên kết. Nhà vườn đầu tư phải hiểu rõ, lường trước những khó khăn để chuẩn bị hướng phát triển lâu dài chứ không phải là có sẵn điều gì khai thác điều đó là đã phát triển du lịch. Đây là chương trình cần sự đầu tư và phát triển dài hạn, trong đó vai trò của tổ hợp tác, HTX trong việc liên kết nông dân, doanh nghiệp tham gia là rất quan trọng.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh nhận xét, Đồng Nai có tổng diện tích cây ăn trái trên 63 ngàn ha, đứng thứ 3 cả nước về diện tích, sản lượng trái cây tươi. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn trên địa bàn Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch vườn mang lại hiệu quả cao. Tỉnh cũng chú trọng phát triển sản xuất theo hướng an toàn, diện tích cây ăn trái VietGAP, GlobalGAP không ngừng được nhân rộng tạo lợi thế thu hút  đầu tư phát triển mô hình du lịch vườn.

Góp ý để phát triển du lịch vườn bền vững, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp cho cộng đồng; tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều