Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm tải cho quốc lộ 1

11:08, 05/08/2020

Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Đồng Nai là tuyến giao thông "huyết mạch" kết nối với đô thị lớn TP.HCM. Do đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn.

Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Đồng Nai là tuyến giao thông “huyết mạch” kết nối với đô thị lớn TP.HCM. Do đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn.

Quốc lộ 1 đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa có lượng phương tiện giao thông lưu thông rất lớn
Quốc lộ 1 đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa có lượng phương tiện giao thông lưu thông rất lớn

Chính vì vậy, nhu cầu mở rộng quốc lộ 1 để giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông hiện rất bức thiết.

* Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chia “gánh nặng”

Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp và nằm ở vị trí “cửa ngõ” của TP.HCM nên lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh luôn rất lớn, đặc biệt là quốc lộ 1. Hiện nay, dù đã có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuy nhiên, do nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, quốc lộ 1 vẫn được xem là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với TP.HCM. Từ thực tế đó, năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản chính thức kiến nghị Bộ GT-VT xem xét mở rộng tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh.

Ngày 30-7, tại buổi làm việc với Bộ GT-VT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GT-VT khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, lựa chọn nhà thầu để ngay trong tháng 9 tới khởi công 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong đó có dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn, việc mở rộng quốc lộ 1 theo như kiến nghị của tỉnh bị vướng về chính sách khi triển khai xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. “Theo Quyết định số 1597 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có nội dung đề nghị giữ nguyên mặt cắt ngang quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.

Hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết từ PPP sang đầu tư công. Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ của dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp giảm tải, giải quyết nhanh ùn tắc giao thông cho quốc lộ 1 đoạn từ Dầu Giây đi Phan Thiết.

Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, hiện nay Đồng Nai cũng đang tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài khoảng 99km, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 412ha.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho biết, hiện nay, các địa phương như Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng đang thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Riêng đối với H.Xuân Lộc, là địa phương có diện tích đất thu hồi lớn nhất cũng đã hoàn thành chi trả tiền đền bù đợt 1 cho 522 hộ dân. Đối với đợt 2, Bộ GT-VT cũng đã phê duyệt phương án bồi thường đất của 342 hộ dân và 10 tổ chức còn lại. “Hiện nay chỉ còn chờ phía chủ đầu tư chuyển tiền để thực hiện chi trả cho người dân. Theo dự kiến, trong tháng 8 này, Đồng Nai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư” - ông Nguyễn Hồng Quế cho biết.

* Vẫn cần giải pháp căn cơ

Với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động và tương lai sẽ kết nối với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xây dựng mới, áp lực giao thông dồn lên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, 2 tuyến cao tốc này chỉ mới giúp quốc lộ 1 chia sẻ bớt lưu lượng phương tiên giao thông qua các địa bàn gồm H.Xuân Lộc, một phần H.Thống Nhất và TP.Long Khánh. Trong khi đó, quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư Dầu Giây, H.Thống Nhất đến TP.Biên Hòa vẫn phải chịu áp lực giao thông rất lớn.

Thực tế cho thấy, đoạn từ ngã tư Dầu Giây đến TP.Biên Hòa chính là đoạn có lượng xe lưu thông lớn nhất trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN). Do đó, phần lớn lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa cho các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn lưu thông qua tuyến giao thông này. Đối với các phương tiện vận chuyển hành khách, đây cũng là tuyến lưu thông được ưu tiên lựa chọn để đón trả hành khách trên địa bàn tỉnh và tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, một lượng phương tiện lớn lưu thông từ quốc lộ 20 về TP.HCM vẫn chọn quốc lộ 1 là hướng lưu thông chính.

Hiện nay, dù đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã “san sẻ” bớt một phần lượng phương tiện giao thông, tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Sở GT-VT, trên quốc lộ 1, đoạn ngã tư Dầu Giây - chợ Sặt (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vẫn có lưu lượng xe lưu thông lên đến 40 ngàn xe/ngày đêm.

Lượng phương tiện giao thông lưu thông lớn, thế nhưng quốc lộ 1 đoạn ngã tư Dầu Giây - chợ Sặt lại rất hẹp với chỉ 2 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ. Do đó, đây cũng là đoạn đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chính vì vậy, theo Giám đốc Sở GT-VT Từ Nam Thành, nhu cầu mở rộng quốc lộ 1 đối với đoạn từ ngã tư Dầu Giây về TP.Biên Hòa hiện nay vẫn rất cấp thiết. Đây cũng được xem là giải pháp căn cơ để giảm tải áp lực giao thông cho đoạn tuyến này.       

    Phạm Tùng

Tin xem nhiều