Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp bước vào mùa sản xuất cuối năm

11:09, 30/09/2020

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm sản xuất 2020. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên hầu hết doanh nghiệp (DN) đều bị ảnh hưởng đến kế hoạch của mình. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh với triển vọng tươi sáng hơn.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm sản xuất 2020. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên hầu hết doanh nghiệp (DN) đều bị ảnh hưởng đến kế hoạch của mình. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh với triển vọng tươi sáng hơn.

Sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Sinh. Ảnh: V.GIA
Sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Phương Sinh. Ảnh: V.GIA

Phục hồi sản xuất là trước mắt nhưng vấn đề quan trọng là DN cũng cần phải có bước đi lâu dài để phát triển ổn định hơn sau khi đại dịch kết thúc.

* DN gia tăng sản xuất

Trên bình diện cả nước, theo Tổng cục Thống kê,  kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành Công nghiệp chế biến, Chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý IV-2020 với 81% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 tháng.

Tại Đồng Nai, hiện nay 75% (trong số hơn 500 DN được khảo sát) bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên địa bàn đã cơ bản phục hồi sản xuất; hàng chục ngàn lao động đã quay lại làm việc.

Các DN phấn khởi khi đơn hàng bắt đầu khởi sắc trở lại và nỗ lực sản xuất để bù đắp những ảnh hưởng do dịch bệnh. Công ty TNHH Kỹ thuật An Phát (TP.Biên Hòa) là DN chuyên cung cấp các sản phẩm khuôn mẫu dùng cho công nghiệp chế tạo điện tử, điện lạnh, đồ điện gia dụng, mỗi tháng cho ra thị trường trên 1 ngàn sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các DN Việt Nam và Nhật Bản, một phần phục vụ xuất khẩu. Ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc công ty cho hay đến nay đã khắc phục được tương đối tốt những tác động của dịch bệnh gây ra và tăng tốc sản xuất vì đơn hàng đã dồi dào hơn, đặc biệt là ngành Hàng hỗ trợ công nghiệp điện tử.

Tương tự, tại DN tư nhân Phương Sinh (TP.Biên Hòa), những ngày này không khí sản xuất rất nhộn nhịp để kịp giao hàng cho các đối tác. Dù ngành Sản xuất, chế biến gỗ gặp khó khăn tương đối lớn nhưng đây là thời gian mà DN này nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất. Đơn hàng cung cấp gỗ nguyên liệu cũng như sản xuất, gia công sản phẩm gỗ dành cho thị trường xuất khẩu đã được lên kế hoạch đến nửa năm sau.

“Hơn 200 lao động của chúng tôi thời điểm này đang làm việc hết công suất, mặc dù vậy DN vẫn phải tuyển thêm 100 lao động từ nay đến cuối năm để có thể có đủ nguồn nhân lực bởi đơn hàng đã nhận  hết công suất đến giữa năm sau” - bà Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc công ty chia sẻ.

Không chỉ DN trong nước mà hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có dấu hiệu khả quan. Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho hay, các DN Đài Loan trên địa bàn Đồng Nai có nguồn lực lớn nên sẽ sớm khắc phục được khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm các DN chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc và ngay cả ở Đài Loan sang Việt Nam vì môi trường, sức hút đầu tư được đánh giá thuận lợi hơn.

* Cần tính chuyện đường dài

Phục hồi sản xuất, kinh doanh là vấn đề trước mắt nhưng muốn phát triển mạnh mẽ hơn, các DN cần phải tính toán chuyện đường dài. Nhà nước cần hỗ trợ, dẫn dắt về công nghệ như: ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, thương mại; ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Cần thông tin, tuyên truyền để DN hiểu biết những tiêu chuẩn thị trường của các nước nhập khẩu và tuân thủ. Song song đó, cần hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động này cần đổi mới cách làm phù hợp với các chuẩn mực thế giới.

Bên cạnh hỗ trợ nêu trên thì nguồn vốn rất quan trọng, Nhà nước cần tiếp tục có các gói kích cầu, hỗ trợ vốn cho DN một cách rõ ràng, minh bạch gắn với từng chiến lược phát triển thì đồng vốn được sử dụng sẽ hiệu quả hơn.

Đối với DN, điều cần thiết là tự nâng cấp để có thể đón nhận những cơ hội. Mặc dù triển vọng sản xuất, kinh doanh trước mắt rất tốt song theo bà Trịnh Thị Uyên Phương, DN vẫn chưa đủ tự tin để trực tiếp xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu riêng của mình ra thế giới mà vẫn đang làm gia công cho các đối tác. Nguyên nhân là DN này vẫn còn thiếu thông tin về thị trường, thiếu nhân lực để có thể đảm trách các công việc giao thương với đối tác nước ngoài. Vì thế, việc gia công sản phẩm là lựa chọn mang tính an toàn cho DN, tuy nhiên về lâu dài, theo bà Phương, việc này cũng phải thay đổi để DN tự tin hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa An cho rằng, mong mỏi của ngành Sản xuất công nghiệp hỗ trợ là Nhà nước có một tổ chức mạnh để tập hợp đội ngũ những DN này lại với nhau. Đây là các DN mũi nhọn cho phát triển trong những năm tới, song hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm ngoại nhập. Khi có một tiếng nói đủ mạnh, sự chú ý và cơ hội hợp tác của DN Việt ngay trên sân nhà đối với các đối tác FDI vì thế sẽ thuận lợi hơn.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều