Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ hàng Việt đón đầu xu thế hội nhập

09:10, 13/10/2020

Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương tại một hội nghị kết nối các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh với những hệ thống siêu thị, chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại. Ảnh: Hải Quân
Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương tại một hội nghị kết nối các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh với những hệ thống siêu thị, chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại. Ảnh: Hải Quân

Qua đó, nâng cao vị thế hàng hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

* Phát triển nhiều kênh quảng bá

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa địa phương, cơ quan chức năng và các địa phương của tỉnh đã tăng cường tổ chức cho các HTX, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, phân phối sản phẩm...

Tính đến cuối năm 2019, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức khoảng 180 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 50 phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Những năm gần đây, Sở Công thương đã hỗ trợ 104 DN, HTX bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng website; tổ chức nhiều lớp tập huấn liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ 28 DN có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh xây dựng website…

Bên cạnh đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá, kết nối hàng Việt nói chung và hàng hóa địa phương nói riêng được tổ chức với quy mô và chất lượng ngày một tốt hơn. Ngoài ra, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã đăng tải hàng ngàn tin, bài, chuyên mục liên quan đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho cuộc vận động, quảng bá sản phẩm địa phương…

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) - một trong những công ty có sản phẩm OCOP của Đồng Nai chia sẻ, thông qua các kênh giao thương, xúc tiến thương mại được các sở, ngành hỗ trợ, công ty chủ động chọn lọc tham dự các hội chợ, triển lãm phù hợp với nhóm hàng, sản phẩm có thế mạnh của công ty, cũng như lựa chọn các thị trường tiềm năng để tìm kiếm cơ hội.

* Nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm địa phương

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), trong giai đoạn 2009-2019, cuộc vận động đã tạo sự đồng thuận xã hội, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ DN tham gia hưởng ứng trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2019 tăng 55% so với giai đoạn 2009-2014.

Trong những năm qua, Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có số lượng DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao ở mức khá cao, ổn định. Thông qua các đợt bình chọn, nhiều DN trong tỉnh đã đạt danh hiệu này, hoạt động ở các lĩnh vực, ngành nghề như: sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống, nông sản, máy móc gia dụng, máy móc, công cụ nông nghiệp, sản phẩm từ cao su, vật liệu xây dựng...

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, hàng Việt nói chung và hàng hóa địa phương nói riêng cần đổi mới để cạnh tranh, ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với việc làm thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường và đến tay người tiêu dùng.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM nhận định, điểm mạnh của phần lớn các DN trong nước là tính năng động, linh hoạt về phân khúc, phát triển các thị trường “ngách”. Trong bối cạnh hội nhập như hiện nay, các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương cần tăng cường tính liên kết, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là cần hiểu rõ về các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, khu vực trên thế giới mà Việt Nam tham gia. Qua đó, nắm bắt các cơ hội, nhận diện rủi ro, thách thức, rào cản về hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền về cuộc vận động trên địa bàn; xem xét tổ chức hội thảo chuyên đề về hàng Việt, nâng tầm hàng hóa địa phương, nâng cao hiệu quả của cuộc vận động sau những tác động của dịch Covid-19.

Các sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường các phương án kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm địa phương, nhất là những sản phẩm OCOP, đồng thời đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hàng Việt, hàng hóa địa phương phù hợp, khuyến khích các giải pháp mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Hải Quân

Tin xem nhiều