Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu phí điện tử không dừng tại các dự án BOT: Còn nhiều vướng mắc

11:11, 11/11/2020

Công tác thẩm định các hạng mục như: thiết bị thu phí, trạm thu phí, nhà điều hành... còn chậm khiến tiến độ thực hiện triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh cũng bị chậm trễ.

Công tác thẩm định các hạng mục như: thiết bị thu phí, trạm thu phí, nhà điều hành... còn chậm khiến tiến độ thực hiện triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh cũng bị chậm trễ.

Tiến độ thực hiện thu phí điện tử không dừng tại các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh thực hiện còn chậm Trong ảnh: Trạm thu phí dự án BOT đường tỉnh 768 nối TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu
Tiến độ thực hiện thu phí điện tử không dừng tại các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh thực hiện còn chậm Trong ảnh: Trạm thu phí dự án BOT đường tỉnh 768 nối TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu

* Nguy cơ chậm tiến độ

Theo Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC, đến ngày 31-12-2020, tất cả các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí ETC. Nếu không thực hiện đúng thời hạn thì sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí.

Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện thu phí ETC tại một số dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều vướng mắc và có nguy cơ bị chậm tiến độ so với quy định của Chính phủ. “Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thu phí ETC tại Đồng Nai đang bị chậm so với yêu cầu đặt ra” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, các dự án BOT giao thông trên địa bàn tỉnh có 2 dạng gồm dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

Đối với dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, trên địa bàn tỉnh có dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện việc thu phí trên tuyến cao tốc này đang sử dụng các công nghệ thu phí đặc thù dành riêng cho dự án được ký kết theo các hiệp định, hiệp ước đầu tư vốn vay của chủ đầu tư. Theo Nghị định 19, hiện nay, Bộ GT-VT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nghiên cứu để đề xuất thời gian thực hiện thu phí theo hình thức ETC. Liên quan đến dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trên địa bàn tỉnh còn có dự án BOT đường 319 sẽ thực hiện kết nối vào tuyến cao tốc này.

Theo dự kiến, dự án BOT đường 319 sẽ hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12-2020. Tuy nhiên, do là tuyến đường có kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên việc triển khai lắp đặt công nghệ thu phí ETC cho dự án BOT đường 319 cũng đang gặp vướng mắc. Cụ thể, do là tuyến đường có kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên để thu phí dự án BOT đường 319 sẽ phải sử dụng công nghệ chung của đường cao tốc. Tuy nhiên, công nghệ này không phù hợp với Nghị định 19 của Chính phủ. “Hiện nay, Sở GT-VT đang phối hợp với nhà đầu tư kiến nghị Bộ GT-VT cho thực hiện sử dụng công nghệ thu phí đang sử dụng của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi nào Bộ GT-VT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có phương án công nghệ thu phí cho đường cao tốc thì dự án BOT đường 319 sẽ chuyển đổi công nghệ” - ông Từ Nam Thành cho biết.

Ngoài 2 dự án trên, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 2 dự án giao thông thực hiện theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT cũng chưa hoàn thành việc thực hiện thu phí ETC gồm dự án Đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng tại P.Phước Tân và P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) và dự án đường tỉnh 768 (nối TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu).

Theo ông Từ Nam Thành, việc triển khai chậm ETC tại 2 dự án này chủ yếu do vướng mắc đến từ công tác thẩm định thiết bị, công nghệ và nhà điều hành trạm thu phí.

* Không còn nhiều thời gian

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc triển khai ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn như: giảm ùn tắc giao thông, thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh thu của các nhà đầu tư BOT.

Từ nay đến hạn chót 31-12-2020 thực hiện thu phí ETC theo quyết định của Thủ tướng là không còn nhiều, do đó Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các đơn vị liên quan phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thủ tục giải quyết các tồn tại, vướng mắc để triển khai thu phí không dừng theo đúng tiến độ đã đề ra.

Đối với 2 dự án BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và đường tỉnh 768, các sở, ngành có liên quan và chủ đầu tư phối hợp để thực hiện nhanh công tác thẩm định về thiết bị, công nghệ, nhà điều hành để sớm triển khai thu phí ETC.

Riêng đối với dự án BOT đường 319, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GT-VT phải có văn bản gửi Bộ trưởng GT-VT, Văn phòng Chính phủ trình bày những vướng mắc đang gặp phải để tránh lãng phí khi đầu tư công nghệ. Bởi, nếu nhà đầu tư sử dụng công nghệ thu phí đang áp dụng cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng sau này phải chuyển đổi theo quy định tại Nghị định 19 sẽ gây lãng phí vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu đầu tư công nghệ theo quy định sẽ có nguy cơ không đồng bộ với công nghệ đang sử dụng đối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Phải có văn bản hướng dẫn thực hiện rõ ràng, không để lãng phí nguồn vốn nhưng cũng không để xảy ra tình trạng đường xây dựng xong nhưng không sử dụng vì không thu phí được” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, chậm nhất đến ngày 31-12-2020, các trạm thu phí đường bộ đang hoạt động phải chuyển sang hình thức thu phí ETC. Đối với các dự án xây mới chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện lắp đặt hệ thống ETC. Riêng với các trạm do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa lắp đặt hệ thống ETC, Thủ tướng giao Bộ GT-VT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích