Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp bù lãi suất từ năm 2021: Thêm cơ hội cho ngành Công nghiệp hỗ trợ

03:12, 12/12/2020

Từ năm 2021, doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm hàng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong danh mục ưu tiên phát triển sẽ được Nhà nước cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Từ năm 2021, doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm hàng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong danh mục ưu tiên phát triển sẽ được Nhà nước cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đầu tư vào máy móc sản xuất là hạng mục ngốn rất nhiều kinh phí của doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Văn Gia
Đầu tư vào máy móc sản xuất là hạng mục ngốn rất nhiều kinh phí của doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Văn Gia

Đây là cú hích ưu đãi được chờ đợi để phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, theo các DN, kỳ vọng nhưng đây cũng mới chỉ là “phần ngọn”, điều quan trọng là cần phải có thêm chính sách để DN tiếp cận nguồn vốn trước khi được hỗ trợ bằng cấp bù lãi suất.

* Thêm chính sách trợ lực

Để thúc đẩy CNHT trong nước, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy CNTT được ban hành vào ngày 6-8-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp. Có khoảng 1 ngàn DN cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia, trong đó DN trong nước chiếm 30%. Và đến năm 2030, CNHT của DN nội đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng  nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp với 2 ngàn DN đủ năng lực cung ứng.

Đó là những kỳ vọng, mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra đối với ngành CNHT, và cũng là một trong những ngành xương sống để nâng cấp trình độ sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này không dễ dàng. Do đó, Nghị quyết 115 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó đáng chú ý là chính sách cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp CNHT; mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm.

Mới đây, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, để hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ vào thực tiễn, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách cấp bù lãi suất vay vốn cho DN CNHT vào đầu năm 2021.

Do tác động của dịch Covid-19 và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng đang ở mức tương đối thấp so với trước đây. Khi được cấp bù lãi suất tối đa 5%/năm thì lãi suất mà các DN CNHT phải thực trả cho ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể. Nếu từ năm 2021, các DN được hỗ trợ thêm phần lãi vay sẽ là lực đẩy lớn giúp họ có thêm quyết tâm vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, bù lại phần khó khăn đã gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, mở ra cơ hội tái cấu trúc, phát triển DN trong những năm tới.

* Cần nới lỏng điều kiện cho vay

Tại Đồng Nai, theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 650 DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Trong đó, ngành Cơ khí chế tạo chiếm 42%, dệt may 23%; Da - giày 18%; Điện tử 13%; có 30 DN sản xuất các sản phẩm CNHT cho ngành Công nghiệp công nghệ cao.

CNHT là ngành nghề Đồng Nai đang ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm góp  phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Song song với thu hút đầu tư từ các nước thì việc khuyến khích, hỗ trợ DN nội phát triển đang ngày càng đặt ra bức thiết. CNHT phát triển sẽ giúp các DN sản xuất hàng hóa có nguồn cung nguyên liệu trong nước ổn định, đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác.

Số lượng tương đối lớn song CNHT của Đồng Nai vẫn phụ thuộc vào DN có vốn đầu tư nước ngoài các DN trong nước chỉ chiếm khoảng 23%. Khác với DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bài bản, chuyên nghiệp trong các khu công nghiệp, tiềm lực mạnh vì là thành viên của các tập đoàn quốc tế thì CNHT trong nước vẫn còn yếu. Khảo sát tại nhiều DN cho thấy quy mô phần lớn là nhỏ và vừa nên thiếu sự chuyên nghiệp trong hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện xét duyệt. Thậm chí, các chính sách của Nhà nước ban hành, nhiều DN vẫn còn chưa nắm được đầy đủ, ngay cả những chính sách sát sườn, do vậy, việc nhận được ưu đãi là rất ít.

Nếu so sánh, vốn đầu tư nước ngoài có bộ phận pháp lý nên hồ sơ xin xác nhận để hưởng ưu đãi rất đầy đủ, trong khi DN trong nước không có, hồ sơ khá sơ sài nên không đáp ứng được các tiêu chí đưa ra. Cùng một chính sách nhưng việc tận dụng cơ hội của DN nội không hiệu quả bằng. Không tận dụng được chính sách hỗ trợ sẵn có, DN CNHT trong nước còn thiếu vốn, nên mãi không thể lớn. Đây cũng là nỗi khó khăn bao lâu nay của DN.

Ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Kim Tuấn Thịnh (TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang dồn kinh phí để mua thêm một số máy móc nhằm mở rộng sản xuất. Dự định là vậy song cũng đã một thời gian khá dài, việc đầu tư máy móc vẫn chưa được như mong muốn do thiếu vốn.

Trong khi đó, vay ngân hàng theo kiểu thế chấp thì hiện không thể vì cũng đã được dùng đến để đầu tư một phần vào nhà xưởng, máy móc. DN cho rằng trước khi được hỗ trợ lãi suất thì làm sao để vay được vốn mới là điều cấp thiết, bởi nếu không vay được thì chính sách này sẽ không mấy DN được thụ hưởng.

“Điều quan trọng, Nhà nước cần có giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn cho DN từ ngân hàng ngoài việc thế chấp bất động sản. Có thể xem xét hồ sơ từ nhiều phương diện như: năng lực sản xuất, công nghệ, hợp đồng với đối tác lớn…làm bảo chứng cho việc vay vốn” - ông Tuấn kỳ vọng.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều