Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy vai trò của trường đại học trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

03:12, 31/12/2020

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đồng Nai cũng như cả nước hướng tới để hình thành nên đội ngũ doanh nghiệp (DN) thế hệ mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đồng Nai cũng như cả nước hướng tới để hình thành nên đội ngũ doanh nghiệp (DN) thế hệ mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, vai trò của các trường đại học rất quan trọng, được coi như “chìa khóa” bước đầu thúc đẩy tâm thế khởi nghiệp của sinh viên.

Nhóm tác giả dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain đến từ Trường đại học Lạc Hồng đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2019
Nhóm tác giả dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain đến từ Trường đại học Lạc Hồng đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2019

* Chưa phát huy hết tiềm năng

Cách đây hơn 4 năm, sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Chính thức khởi xướng Năm quốc gia Khởi nghiệp (năm 2016) và ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Từ đó đến nay, cụm từ khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST được xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn, tại các địa phương.

Cụ thể hóa chủ trương nói trên trong ngành Giáo dục, năm 2017 Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017. Theo nội dung đã được phê duyệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học. Đây không phải chỉ dành cho các trường đại học mà còn là nhiệm vụ phối hợp giữa ngành Giáo dục cùng các bộ, ngành và các DN, địa phương trong triển khai đề án.

Tại Đồng Nai, Sở KH-CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 22-8-2018 về việc thành lập Hội đồng tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023. Sự hình thành của Hội đồng tư vấn, điều phối các mạng lưới khởi nghiệp nhằm tiếp nối hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh. Hội đồng này cũng quản lý và điều phối chung các hoạt động khởi nghiệp ĐMST một cách đồng bộ, tập trung. Từ đó có thể tạo được sự lan tỏa nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Với một địa phương có sự phát triển kinh tế năng động, song song đó là những trường đại học, cao đẳng khá đông đảo để đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của các DN như Đồng Nai thì tiềm năng cho việc thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST ở trường đại học là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, không ít trường đại học còn tách rời và mới chỉ quan tâm tới hoạt động “sáng tạo” (dưới khái niệm “sinh viên nghiên cứu khoa học”) mà chưa thực sự gắn kết cả hai hoạt động “sáng tạo” và “khởi nghiệp”. Vì thế, hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học hiện nay cần được quan tâm thúc đẩy thông qua các kế hoạch và mục tiêu cụ thể.

* Gắn kết giữa nhà trường và DN

Theo ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, vai trò của các trường đại học thể hiện trong 3 giai đoạn: sáng tạo - đổi mới - thương mại hóa. Trường đại học có thể hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại cộng đồng hay địa phương thông qua quá trình hỗ trợ hình thành và phát triển ý tưởng kinh doanh, chuyển hóa ý tưởng thành các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mẫu. Cuối cùng là hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ đã đăng ký bảo hộ thông qua việc bán, cho thuê hay nhượng quyền kinh doanh hoặc thương mại hóa bằng cách thành lập những DN trong trường đại học.

Tương tự, ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp ĐMST Đại học quốc gia TP.HCM (IEC) cho rằng, kinh nghiệm mà IEC đã triển khai là hỗ trợ sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường đại học; cộng đồng DN khởi nghiệp địa phương; các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm R&D của những DN công nghệ lớn. Ba nhóm đối tượng này, kết hợp với các đối tác, nhà đầu tư, nhà cung ứng dịch vụ, tạo ra được các giá trị cộng sinh cho chương trình hỗ trợ khởi nghiệp... Cùng với đó, nhà trường cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các DN tại địa phương, các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khởi nghiệp nhằm hình thành nên cộng đồng DN ĐMST, ứng dụng những thành quả khoa học công nghệ mới nhất vào sản xuất.

Việc hợp tác với DN để tạo tâm thế cho sinh viên có khả năng khởi nghiệp cũng là phương án mà Trường đại học Lạc Hồng áp dụng trong suốt những năm qua. TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trưởng bộ phận Khởi nghiệp ĐMST Trường đại học Lạc Hồng cho biết, nhà trường mời các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, trong đó có các DN lớn, đã thành công về chia sẻ, đào tạo cho sinh viên. Qua sự gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với DN, sinh viên có được những thông tin bổ ích về tìm kiếm nhu cầu thị trường, xây dựng dự án, tìm kiếm tài chính từ các nhà đầu tư, đánh giá rủi ro triển khai dự án...

Với trách nhiệm là “chủ công” được tỉnh giao trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở KH-CN cho rằng, kinh nghiệm từ các trường đại học sẽ là thực tiễn để bổ sung các giải pháp cho tỉnh thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST. Trong một năm mà dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến DN, nhất là những DN khởi nghiệp thì cũng là lúc để các ý tưởng sáng tạo được phát huy. Về phía địa phương, sẽ nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN có thể phát triển, ứng dụng tốt công nghệ vào hoạt động kinh doanh, từ đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sức thu hút của địa phương đối với cộng đồng DN.

                     Đào Lê

 

Tin xem nhiều