Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tìm giải pháp phát triển làng nghề

11:01, 15/01/2021

Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều ngành nghề nông thôn, kéo theo đó là sự xuất hiện của các làng nghề. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có vai trò khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, cộng đồng dân cư song các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển bấp bênh.

Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều ngành nghề nông thôn, kéo theo đó là sự xuất hiện của các làng nghề. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có vai trò khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, cộng đồng dân cư song các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển bấp bênh.

Làng nghề trồng và sơ chế nấm ở Long Khánh đang phát huy được hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương
Làng nghề trồng và sơ chế nấm ở Long Khánh đang phát huy được hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương

Số lượng làng nghề nhiều, thiếu chiều sâu là vấn đề chung. Để từng bước thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã và đang thực hiện những giải pháp nhằm phát triển các làng nghề.

* Thiếu chiều sâu

Nghề gỗ mỹ nghệ ở xã Bình Minh, H.Trảng Bom đã nổi tiếng cả nước nhiều năm nay với các sản phẩm phong phú, hàng chục cơ sở cùng làm gỗ mỹ nghệ. Một số cơ sở đã có hàng để xuất đi nước ngoài với số lượng khả quan, tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan, nghề gỗ mỹ nghệ ở đây còn gặp nhiều khó khăn và phát triển thiếu chiều sâu.

Được coi là một cơ sở “ăn nên làm ra”, ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh chia sẻ, hầu hết các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của ông được xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn là làm theo dạng gia công, chưa thể định hình được thương hiệu riêng. Dù đã có tiếng song thực tế cơ sở vật chất vẫn còn khiêm tốn, diện tích sản xuất nhỏ hẹp, tận dụng phần đất của gia đình chứ chưa thể xây dựng xưởng, nhà máy một cách quy mô được. Theo ông Nhân, do thiếu vốn để mở rộng nhà xưởng, kéo theo đó là công nghệ nên sản xuất của các cơ sở trong vùng chủ yếu là gia công. “Đó cũng là lý do làm cho gỗ mỹ nghệ Việt Nam đang tụt hậu do mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan. Các HTX, doanh nghiệp (DN) thủ công mỹ nghệ cũng thiếu trầm trọng nhân sự có năng lực chuyên môn sâu về xuất khẩu” - ông Nhân chia sẻ.

Vấn đề trên không chỉ tồn tại ở nghề gỗ mỹ nghệ mà còn ở các làng nghề khác trên địa bàn. Theo đánh giá của UBND tỉnh, các làng nghề hiện nay chưa tạo ra được sản phẩm độc đáo, chuyên biệt, mang tính “độc quyền” để đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị và hàm lượng sáng tạo của sản phẩm. Một số làng nghề nông thôn tại các địa phương như: bóc tách hạt điều; đan lát mây tre, lục bình, may gia công, sản xuất đồ gỗ, ván lạng, cưa xẻ đá… mới chỉ dừng lại ở mức độ gia công, sơ chế đơn giản, sản phẩm làm ra tiêu thụ tại địa phương hoặc lân cận nên việc xây dựng dự án lớn khó khăn.

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại và hệ thống xử lý rác, nước thải nên nhiều làng nghề không đáp ứng được các tiêu chí về đảm bảo môi trường. Một số làng nghề, ngành nghề truyền thống đang dần mai một, lao động chủ yếu lớn tuổi, các làng nghề thiếu lao động qua đào tạo, chủ yếu là lao động phổ thông…

* Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phát triển

Để thoát ra được vòng luẩn quẩn nói trên, trong tầm nhìn trung hạn, cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn giai đoạn
2021-2025.

Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT cùng Sở Công thương chịu trách nhiệm chính. Sở NN-PTNT là đầu mối chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong nhiệm vụ triển khai các kế hoạch, giải pháp phát triển làng nghề của UBND tỉnh đã đề ra. Đồng thời, tăng cường khảo sát, thẩm định làng nghề làm cơ sở công nhận, từ đó tập trung hỗ trợ để tạo sự phát triển vượt bậc.

Trong hàng chục làng nghề trên địa bàn tỉnh mới, có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là: gốm Biên Hòa (TP.Biên Hòa) và nghề trồng và sơ chế nấm Bàu Cối ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Có được nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sẽ rất thuận lợi cho các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sở Công thương có nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, lồng ghép nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề và ngành nghề nông thôn. Xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống vào bán ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn.

Song song với phân định nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, tỉnh cũng đã có quy định về mức hỗ trợ phát triển. Nghề truyền thống và làng nghề được UBND tỉnh công nhận sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Riêng làng nghề truyền thống được công nhận sẽ được hỗ trợ 45 triệu đồng kinh phí trực tiếp để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.

Nội dung quan trọng khác là hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư đến nơi quy hoạch. Cụ thể, DN vừa có mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/DN (hỗ trợ thuê lại mặt bằng không quá 10 ngàn m2/DN). DN nhỏ hỗ trợ không quá 150 triệu đồng/DN (hỗ trợ thuê lại không quá 5 ngàn m2/DN). DN siêu nhỏ, mức hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/DN (hỗ trợ thuê lại không quá 2 ngàn m2/DN). Đối với các HTX, tổ hợp tác được áp dụng mức hỗ trợ như các DN nhỏ. Hộ gia đình được áp dụng mức hỗ trợ như đối với DN siêu nhỏ.

Như vậy, chính sách, cơ chế, chi phí hỗ trợ cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan đã có, vấn đề giờ đây là việc triển khai thực hiện để những nội dung hỗ trợ nói trên phát huy được hiệu quả.

Văn Gia

Tin xem nhiều