Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiềng ba chân cho phục hồi kinh tế giữa đại dịch

08:02, 22/02/2021

Ngay trước khi bước vào những ngày nghỉ của Tết Nguyên đán 2021, một đợt sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch Covid-19 đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát.

Ngay trước khi bước vào những ngày nghỉ của Tết Nguyên đán 2021, một đợt sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch Covid-19 đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát.

Năm thứ 2 cả nước đón Tết giữa dịch bệnh cũng khiến cho kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng, tác động đến các kế hoạch vĩ mô cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Theo Bộ KH-ĐT, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, GDP quý này ước tính tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ đặt ra từ những ngày đầu năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm đã đặt ra, GDP quý II cần tăng 7,11%, quý III và IV lần lượt phải tăng 6,73% và 7,04%, cao hơn mục tiêu đưa ra trước đó 0,02-0,37 điểm phần trăm. Nhiệm vụ này rất khó khăn bởi không ai có thể lường trước được những tình huống của dịch bệnh.

Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Lê Tiên (baodauthau.vn)
Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Lê Tiên (baodauthau.vn)

Do vậy, muốn tiến được tới mục tiêu tăng trưởng thì bên cạnh quyết liệt trong phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Về vấn đề này, khi chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Dù tình hình khó khăn cũng phải giữ mục tiêu nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Dù nhìn dưới góc độ nào, nền kinh tế của Việt Nam cũng phải cần “kiềng ba chân” sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Về phương diện cụ thể, tác động trực tiếp đối với cộng đồng doanh nghiệp, mỗi chính sách đưa ra trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến từng đơn vị cũng như của cả cộng đồng. Các bộ, ngành, địa phương xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội... để liên kết, nâng cao sức cạnh tranh, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt là những giải pháp tạo động lực nhằm đưa công nghiệp hỗ trợ bứt phá, có thể chủ động và sẵn sàng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã không bị vướng vào sự suy thoái chung của toàn cầu mà vẫn giữ được mức độ tăng trưởng dương 2,91% đã có thể được gọi là kỳ tích. Nhưng trước mắt, khó khăn vẫn còn rất nhiều. Điều có thể nhận thấy trước tiên là tiềm lực kinh tế đất nước còn khiêm tốn, sức mạnh dự trữ quốc gia không có nhiều như các nước phát triển để có thể ngay lập tức tung ra những gói “giải cứu” lớn khi cộng đồng doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng. Vì thế, trong khi chờ vaccine để giải quyết triệt để thì mục tiêu kép kiềm chế đại dịch song hành cùng tăng trưởng kinh tế cần sự nỗ lực rất lớn trên mọi phương diện.

Văn Gia

Tin xem nhiều