Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt

04:03, 24/03/2021

Sau 2 lần trễ hẹn, đến cuối năm 2020, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước hiện nay là 70%.

Sau 2 lần trễ hẹn, đến cuối năm 2020, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước hiện nay là 70%.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt để tái chế tại Nhà máy Xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu)
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt để tái chế tại Nhà máy Xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: BAN MAI

Để tiếp tục giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, nhiều giải pháp như: siết quy định đấu thầu xử lý rác; nâng tiêu chí môi trường ở các xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; khuyến khích tái chế và tái sử dụng rác được triển khai áp dụng.

* Chôn lấp chất thải thấp hơn bình quân cả nước 4,5 lần

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, từ nhiều năm trước, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất thải và thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn; thiết lập các tuyến và xây dựng các điểm trung chuyển để đảm bảo thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và giảm chôn lấp xuống dưới 15%. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn nên đến cuối năm 2020 Đồng Nai mới hoàn thành chỉ tiêu. Cụ thể, thu gom bình quân 1,8 ngàn tấn chất thải/ngày, trong đó chôn lấp dưới 300 tấn, thấp hơn bình quân chung cả nước khoảng 4,5 lần.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, trong khi nhiều tỉnh, thành phố còn loay hoay với câu chuyện làm thế nào để đưa rác vào bãi chôn lấp thì Đồng Nai đã thu gom đạt 100%, trong đó chôn lấp dưới 15%, còn lại xử lý tái sử dụng và tái chế.

Theo lãnh đạo Sở, việc kiểm soát chất thải rắn sinh hoạt khó hơn nhiều so với chất thải công nghiệp, y tế bởi khối lượng phát sinh biến động hằng ngày. Ví dụ rác thải ở TP.Biên Hòa có thể tăng gấp 3-4 lần mỗi dịp lễ, Tết. Rác thải rắn sinh hoạt không để được lâu, chỉ cần một khu xử lý rác gặp trục trặc, vài xe chở rác hư hỏng là xảy ra ùn ứ, quá tải. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, liên tục, hiệu quả.

Các giải pháp mà Sở TN-MT đề nghị địa phương thực hiện là tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hạn chế phát sinh chất thải, hạn chế chôn lấp, trường hợp tự chôn, đốt phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán rác. Đưa điều kiện phải có xe vận chuyển chuyên dùng, phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% vào điều kiện đấu thầu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Riêng Sở TN-MT sẽ thống kê và tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu ngưng tiếp nhận hoặc không được mở rộng đầu tư đối với các khu xử lý rác không đảm bảo điều kiện về môi trường, không đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Kiểm tra việc kiểm soát nguồn nước thải, mùi hôi, quy trình xử lý đối với các khu xử lý chất thải. Cùng với đó, Sở cũng làm việc với các địa phương đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn, nâng cao tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

* Hỗ trợ phân loại, tái chế chất thải

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Tại các huyện vùng xa, nhiều hộ gia đình vẫn còn chôn, đốt rác; một số nơi đã đăng ký thu gom tập trung nhưng do mật độ dân cư thưa thớt, khối lượng ít trong khi quãng đường vận chuyển dài nên địa phương phải bù chi phí. Các đô thị thiếu điểm trung chuyển chất thải sinh hoạt. Một số khu xử lý rác chưa đáp ứng các điều kiện: phương tiện vận chuyển, công suất thực tế so với thiết kế, công nghệ xử lý.

Tại hội nghị về môi trường mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, chủ trương đẩy mạnh phân loại, tái chế chất thải sinh hoạt là đúng đắn và cần thiết, nhưng quá trình triển khai còn nhiều hạn chế. Cụ thể, chính sách hỗ trợ thùng, túi để phân loại trước đây không còn. Một số phường, người dân vẫn thực hiện phân loại nhưng đơn vị thu gom không có xe chuyên dùng chở rác đã phân loại, không thu gom hết rác hoặc thu không đúng giờ.

Theo ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu, hiện có khá nhiều cơ sở, doanh nghiệp tư nhân thu mua các loại bao bì chất thải rắn (nhựa, kim loại, sợi tổng hợp) về xử lý tái sử dụng hoặc tái chế thành nguyên liệu sản xuất bán lại cho các doanh nghiệp. Hoạt động của họ cũng góp phần bảo vệ môi trường nhưng đa phần không có giấy phép, không được hướng dẫn quy trình xử lý nước thải nên kiểm tra ở đâu vi phạm ở đó.

Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các đơn vị, địa phương đang nỗ lực tuyên truyền để người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm khối lượng rác phát sinh mà chưa quan tâm sâu đến việc làm gì với chất thải sau phân loại. Nhiều khu dân cư làm tốt phân loại rác nhưng chỉ đến được khâu thu gom; một số khu xử lý có đến 70% chất thải được xử lý để làm nguyên liệu sản xuất phân bón nhưng chưa có đầu ra, bán rất rẻ. Các cơ sở tư nhân đầu tư máy móc tái chế các loại bao bì phế thải thành vật dụng, nguyên liệu sản xuất nhưng không đảm bảo điều kiện về môi trường.

“Để giữ chỉ tiêu và tiếp tục giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tôi đề nghị Sở TN-MT nghiên cứu đề xuất quy hoạch khu tái chế chất thải. Ưu tiên gần nhà máy xử lý rác thải tập trung để không phải vận chuyển chất thải tái chế ngược trở ra. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở tái chế chất thải bằng mặt bằng, vốn vay lãi suất thấp, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm/nguyên liệu tái chế” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo Sở TN-MT kiểm tra, yêu cầu các khu xử lý rác hoàn thiện dây chuyền, máy móc theo công suất thiết kế được duyệt, hoàn thiện thủ tục pháp lý để vận hành lò đốt. Tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế chôn lấp để đạt hiệu quả về môi trường, kinh tế - xã hội.

Ban Mai

Tin xem nhiều