Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

04:03, 01/03/2021

Thời gian gần đây giá sắt thép tăng đột biến, liên tục thiết lập mức giá mới, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) ngành Cơ khí gặp khó khăn trong cả đầu vào nguyên liệu lẫn đầu ra sản phẩm.

Thời gian gần đây giá sắt thép tăng đột biến, liên tục thiết lập mức giá mới, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) ngành Cơ khí gặp khó khăn trong cả đầu vào nguyên liệu lẫn đầu ra sản phẩm.

Sản xuất sản phẩm gang đúc, chi tiết máy tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1
Sản xuất sản phẩm gang đúc, chi tiết máy tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: V.GIA

Theo các DN cơ khí, chế tạo trên địa bàn tỉnh, tham vấn từ các đối tác nước ngoài cho thấy, thị trường thép nguyên liệu thế giới vẫn còn nhiều biến động, dự báo phải đến cuối quý II năm nay, sự căng thẳng mới phần nào được hạ nhiệt.

* Giá nguyên liệu tăng mạnh

Tại Công ty TNHH Dương Đăng Phát, chuyên gia công cơ khí, đồ kim loại... phục vụ nhu cầu của các DN ngành gỗ, cơ khí khác cho hay, so với giữa năm 2020, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 40%. Điều này khiến DN như ngồi trên đống lửa bởi hợp đồng sản xuất đã được ký kết từ các tháng trước chưa tính hết mức độ tăng giá của nguyên liệu. “Dù giá nguyên liệu tăng cao, nhất là từ đầu năm đến nay, song DN vẫn phải duy trì quy mô sản xuất để ổn định việc làm cho người lao động. Nguyên liệu đầu vào gặp khó do giá tăng trong khi sản phẩm đầu ra xuất cho các đối tác vẫn giữ nguyên là một thách thức” - anh Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty cho hay.

Khảo sát thị trường cho thấy, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép đang tăng cao bất thường từ những tháng cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới. Giá quặng sắt thép phế liệu nhập khẩu cuối năm 2020 tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm.

Tương tự, một DN chuyên xuất nhập khẩu sắt thép và gia công cơ khí trong nước và xuất khẩu tại TP. Biên Hòa cho hay, trong năm 2020 vừa qua, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 15-30% tùy loại đã khiến đơn hàng của đơn vị giảm so với dự toán. Doanh thu trong năm của công ty chỉ tăng 15% trong khi mức tăng dự tính là 30% theo kế hoạch ban đầu.

Theo ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) thì đối mặt với tác động kép của dịch bệnh cũng như nguồn nguyên liệu sắt thép tăng giá, các DN phải cân đối lại sản xuất. Theo đó, DN ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để có đơn hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cùng với việc duy trì các đơn hàng truyền thống thì các đơn vị mở rộng thị trường, cho ra đời một số sản phẩm mới, chuyển hướng  từ các đơn hàng có quy mô lớn sang các đơn hàng nhỏ lẻ.

Các DN cho hay, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nguồn cung hàng công nghiệp hỗ trợ nên sẽ là cơ hội để DN Việt mạnh dạn lấp chỗ trống, tìm kiếm hợp tác với DN có vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng sản phẩm. Đây có thể được coi là điểm tích cực mà dịch bệnh gián tiếp mang lại cho cộng đồng DN trong nước.

* Vẫn cần hỗ trợ

Theo đánh giá của các chuyên gia, các DN cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Những hiệp định này sẽ giúp DN trong nước có thêm ưu thế khi xuất khẩu vào các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Triển vọng dài hạn là vậy, song trước mắt, với giá nguyên liệu tăng cao, việc giải quyết khó khăn là điều các DN chưa dễ gì thực hiện. “Chúng tôi vừa gặp gỡ một số đối tác đến từ nước ngoài để tham vấn thì biết rằng thị trường nguyên liệu thép cho công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và các ngành khác nói chung vẫn còn nhiều biến động. Điều lạc quan là tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới gần đây đã có nhiều kết quả song nhận định khách quan có thể thấy khó khăn về nguyên liệu dự kiến phải đến cuối quý II năm nay mới có thể hạ nhiệt” - anh Dương Hải Đăng cho biết thêm.

Bên cạnh nguyên liệu đầu vào, một khó khăn nữa cũng tác động lớn đến cộng đồng DN là việc thiếu container vận chuyển hàng xuất khẩu. Các sản phẩm từ công nghiệp cơ khí, chế tạo là chi tiết của nhiều mặt hàng xuất khẩu. Khi các đối tác không xuất được hàng thì có tình trạng xin hoãn thời gian nhận linh kiện, do vậy ảnh hưởng đến các DN trong ngành. Điều này dẫn tới việc Tập đoàn Hòa Phát đã phát tín hiệu sẵn sàng tham gia sản xuất vỏ container tại Việt Nam. Đơn vị này dự định sản xuất 500 ngàn TEU/năm tại hai khu vực gần cảng biển Hải Phòng và Đông Nam bộ. Hiện Hòa Phát đang tuyển dụng nhân sự để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu quý II-2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình.

Cũng theo các DN trong ngành, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ thị trường nội địa thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng. Trong đó có giải pháp tăng cường sự liên kết của các DN cơ khí, chế tạo trong nước, từ đó tạo sức cạnh tranh, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm, nhất là cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, giá thép phế liệu nội địa cũng tăng từ 7.500 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg, tăng 26,6%. Các loại nguyên liệu sản xuất thép có giá cao đã dẫn đến giá thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng từ tháng 8 và đạt đỉnh vào thời điểm cuối tháng 12 ở mức trên 700 USD/tấn. Thép xây dựng thành phẩm trong nước có giá bình quân khoảng 12.000-12.500 đồng/kg thời điểm đầu tháng 12-2020, nhưng hiện nay dao động trên dưới 15 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu và địa bàn.

Văn Gia

Tin xem nhiều