Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao

03:05, 15/05/2021

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, trái phiếu doanh nghiệp... để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, trái phiếu doanh nghiệp... để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro.

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

* Siết dòng tín dụng vào đầu cơ bất động sản, dự án BOT...

Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, dự án BOT, đầu tư chứng khoán... NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro này.

Theo NHNN chi nhánh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 3-2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 43,2 ngàn tỷ đồng, tỷ trọng 17,5% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT... vào khoảng 3,3 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,35% tổng dư nợ cho vay.

Theo đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, bên cạnh nguồn vốn dành cho các khách hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đang triển khai nhiều phương án, chương trình để cân đối các dòng vốn ngoài sản xuất, nhất là các khoản vay tiêu dùng như: vay để mua, thuê, sửa chữa nhà ở; mua phương tiện đi lại; mua sắm đồ dùng... nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của người dân.

Riêng tín dụng về bất động sản có 2 lĩnh vực chính. Thứ nhất, tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. Đây là những đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện cấp tín dụng đối với các nhu cầu vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn rủi ro cao.

Thứ hai, những lĩnh vực đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản ví dụ như nhà cho người thu nhập thấp hay phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại triển khai.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, lĩnh vực bất động sản, dự án BOT, đầu tư chứng khoán... tiềm ẩn rủi ro. Do đó, chi nhánh sẽ thường xuyên giám sát và cảnh báo tới các tổ chức tín dụng, theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng vào các lĩnh vực trên để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, chi nhánh tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát, kịp thời có văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng về việc xử lý nợ xấu, các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu; hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, các dự án BT, BOT... Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình đầu tư, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, việc nắm giữ chứng khoán chéo lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, tình hình cấp tín dụng đối với các khách hàng lớn, khách hàng có dư nợ tại nhiều tổ chức tín dụng...

* Thực hiện các giải pháp tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 4-2021, tổng dư nợ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 255,1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, tổng dư nợ cho vay ước đạt 253 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4,3% so với cuối năm 2020. Ngoài ra, giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 0,63% tổng dư nợ cho vay.

Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận để cân đối lại nguồn vốn dành cho sản xuất, tiêu dùng, cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho vay...

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, trong những tháng đầu năm nay, chi nhánh đảm bảo khá tốt các chỉ tiêu tăng trưởng về huy động vốn, tín dụng. Đồng thời, chú trọng nguồn vốn cho vay đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chủ trương, quy định của NHNN...

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, trong thời gian tới, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh triển khai các giải pháp tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; chủ động nhận diện các nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh; tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp theo quy định nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đã
đề ra...
   

Hải Quân

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích