Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng môi trường cho phát triển kinh tế tư nhân

10:05, 21/05/2021

Kinh tế tư nhân là loại hình kinh tế chiếm số lượng lớn và có vai trò rất quan trọng trong hầu hết các quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh là động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Kinh tế tư nhân là loại hình kinh tế chiếm số lượng lớn và có vai trò rất quan trọng trong hầu hết các quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh là động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhận thấy được vai trò này, trong những năm qua, Nhà nước đã nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy, phát triển bền vững thành phần kinh tế này.

Bài 1: Khi kinh tế tư nhân được coi là động lực phát triển

Tạo ra hơn 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, kinh tế tư nhân đã khẳng định được vai trò của mình. Để thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, nhiều quyết định quan trọng đã được thực thi. Riêng đối với Đồng Nai, địa phương tốp đầu trong tốp đầu phát triển thì việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân lại càng bức thiết.

Sản xuất sản phẩm tại Công ty TNHH Tương Lai. Ảnh: V.Thế
Sản xuất sản phẩm tại Công ty TNHH Tương Lai. Ảnh: V.Thế

* Từ các đổi thay chiến lược...

Trước tháng 12-1986, nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam chưa được thừa nhận. Những nhận định chưa phù hợp này đã dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế của đất nước. Như một hệ quả tất yếu, cần một sự thay đổi để thoát ra khỏi khó khăn. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân là một trong những giải pháp được thực hiện bắt đầu từ khi đổi mới kinh tế năm 1986 diễn ra.

Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam thì kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Tính riêng giai đoạn 2015-2020, trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai, khu vực DN dân doanh, hộ cá thể, tư nhân đóng góp 35% GRDP toàn tỉnh. Năm 2020, các DN trong nước đã đóng góp 27% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm trên 330 ngàn lượt lao động.

Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ “có vị trí quan trọng lâu dài” (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và XI) và “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). Đặc biệt, Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế. Chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Việc lần đầu tiên có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành là dấu ấn lớn, song chắc chắn là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua các thời kỳ.

Kết quả của những thay đổi đó là đến năm 2020, kinh tế tư nhân ở nước ta có gần 900 ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh; riêng hoạt động của các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân

Tại Đồng Nai, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW nói trên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150-KH/TU ngày 6-12-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 3778/Ctr-UBND ngày 18-4-2018 để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Hiện nay, lũy kế có hơn 50 ngàn đơn vị dân doanh đăng ký kinh doanh trong toàn tỉnh trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.

Để tạo điều kiện cho các DN phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, thẩm quyền của đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ DN. Theo đó, nhiều năm qua UBND tỉnh và các sở, ngành đã luôn nhất quán thực hiện phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

* ...Đến những đầu tàu kéo đất nước phát triển

Những thay đổi về mặt chính sách đã từng bước cởi trói cho DN. Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế nói chung, Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các DN, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đội ngũ này đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như: du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Điển hình trong đó có Sun Group, Vin Group, Thaco, Masan, FPT... Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

DN Đồng Nai giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị kết nối giao thương
DN Đồng Nai giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị kết nối giao thương

Đối với Đồng Nai, nhiều DN tư nhân cũng đang trên đường phát triển lớn mạnh như: Nam Long, GC Food, An Phú Thịnh, Thế Linh, Thanh Bình, Tương Lai... Nhiều thương hiệu trong đó được tiếp nối từ các thế hệ trước và dưới sự điều hành của các thế hệ doanh nhân thứ 2, thứ 3 trong gia đình, tiếp thu những thành quả của khoa học công nghệ, gầy dựng tên tuổi, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và hợp tác được với các “đại bàng” để nâng tầm DN.

“Công ty chúng tôi đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Thông qua chương trình, các sản phẩm của Tương Lai có thể đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành một trong số nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn thế giới” - ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai, chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ nhựa, cao su kỹ thuật cho hay.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc từng khẳng định rằng khu vực tư nhân chính là ngôi sao hy vọng của kinh tế Việt Nam khi hội nhập và phát triển cùng thế giới. Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những nỗ lực giải phóng thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua. Tuy nhiên, thay đổi vẫn còn chậm và chưa thực sự sát thực với nhu cầu của cộng đồng DN.

Hằng năm, VCCI vẫn tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của cộng đồng DN để hỗ trợ Chính phủ xây dựng các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh thì nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó có việc tiếp cận pháp luật, chi phí về đất đai cả về những chi phí không chính thức khác. Do vậy, để DN tư nhân không đơn độc và có điều kiện phát triển, cần xác lập mạnh mẽ hơn vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hóa dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh.

Vương Thế - Hoàng Lộc

Bài 2: Làm gì với những điểm yếu và thiếu?

Tin xem nhiều