Báo Đồng Nai điện tử
En

Môi trường tại các khu công nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực

04:06, 04/06/2021

Đồng Nai được quy hoạch 38 khu công nghiệp (KCN). Hiện có 31 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1,2 ngàn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 500 dự án đầu tư trong nước. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, hạ tầng, giải quyết việc làm cho người lao động, sự phát triển của các KCN cũng gây sức ép không nhỏ đến môi trường.

Đồng Nai được quy hoạch 38 khu công nghiệp (KCN). Hiện có 31 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1,2 ngàn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 500 dự án đầu tư trong nước. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, hạ tầng, giải quyết việc làm cho người lao động, sự phát triển của các KCN cũng gây sức ép không nhỏ đến môi trường.

Ngành chức năng giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh: L.AN
Ngành chức năng giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh: L.AN

Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã và đang góp phần làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các KCN.

* Kiểm soát tốt nguồn nước và chất thải rắn

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực. Ngành TN-MT đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được các sự cố gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp. “Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai không còn cơ sở trong danh sách “đen” về môi trường. Các cơ sở vi phạm quy định về môi trường trước đây đã hoàn thành khắc phục hậu quả, được tỉnh đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm. Sở TN-MT và Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đang phối hợp kiểm tra, giám sát; thu mẫu chất thải, nước thải, khí thải định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở từng gây ô nhiễm môi trường, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhằm nâng cao ý thức phòng tránh của doanh nghiệp (DN) và đề ra giải pháp ứng phó khi có sự cố” - ông Đức chia sẻ.

Về xử lý nước thải, hiện 31/31 KCN đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 77% lượng nước thải của các DN trong các KCN được thu gom, xử lý tập trung. Số còn lại là DN được cấp phép tự xử lý, được xả thải trực tiếp. Hiện chỉ còn hơn 10 DN chưa được đấu nối hệ thống xử lý nước thải tập trung do chưa đồng bộ hạ tầng nước thải. Năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, tại 25 khu xử lý nước thải tập trung có hệ thống quan trắc tự động nước thải không phát hiện vi phạm nghiêm trọng.

Theo kết quả quan trắc khí thải do các công ty đầu tư hạ tầng KCN thực hiện, môi trường không khí xung quanh các KCN đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:20091/BTNMT. Chỉ một số DN, ở một số thời điểm, hệ thống quan trắc không khí ghi nhận có hàm lượng bụi vượt quy chuẩn. Nguyên nhân do hệ thống xử lý khí thải của DN xuống cấp, gặp sự cố đột ngột; hoạt động xây dựng nhà máy, vận chuyển nguyên vật liệu. Một số DN có diện tích cây xanh chưa đạt yêu cầu.

Cũng theo đánh giá của Sở TN-MT, hiện nay 100% chất thải rắn công nghiệp (hơn 1,1 ngàn tấn/ngày) đã được thu gom, xử lý đúng quy trình. Đối với rác thải công nghiệp thông thường có giá trị, DN tái sử dụng hoặc bán lại cho đối tác tái chế. Chất thải rắn sinh hoạt, DN ký hợp đồng thu gom, xử lý với các nhà máy xử lý chất thải. Riêng với chất thải nguy hại, 100% DN ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ chức năng được Bộ TN-MT cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.

* Tập trung xử lý khí thải

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho rằng, sức ép từ hoạt động sản xuất công nghiệp lên môi trường hiện nay là có, nhưng không đáng kể; bởi phần lớn nước thải và chất thải rắn phát sinh tại các KCN đã được thu gom, xử lý theo quy định. Riêng với khí thải, vẫn còn tình trạng phát sinh khí thải chưa đạt quy chuẩn tại một số DN. Hiện mới có 11/64 cơ sở thuộc nhóm đối tượng bắt buộc thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động khí thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ sở còn lại chưa thực hiện.

Theo bà Dương, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các KCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư công trình bảo vệ môi trường: phun sương tạo ẩm, đầu tư công trình xử lý khí thải, quan trắc tự động khí thải, thực hiện vệ sinh phương tiện vận chuyển. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu đốt sạch để sản xuất. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm.

Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN xây dựng, nâng cấp vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 100% nước thải công nghiệp được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN-MT; đầu tư công trình phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư hạ tầng, các DN vẫn được Ban Quản lý các KCN Đồng Nai chủ động và phối hợp với Sở TN-MT, Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai và UBND các địa phương thực hiện. Về giải pháp tới đây, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai sẽ nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; hỗ trợ các DN thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường. Cùng với đó là tổ chức hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đến các DN.

Lê An

Tin xem nhiều