Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để ùn ứ trái cây tươi

11:08, 02/08/2021

Nhiều loại trái cây tươi đang và sắp cho thu hoạch với sản lượng lớn đang gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt, các địa phương có diện tích chôm chôm lớn đang cho thu hoạch mong được hỗ trợ tiêu thụ.

Nhiều loại trái cây tươi đang và sắp cho thu hoạch với sản lượng lớn đang gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt, các địa phương có diện tích chôm chôm lớn đang cho thu hoạch mong được hỗ trợ tiêu thụ.

Nông dân trồng chôm chôm tại TP.Long Khánh mong được hỗ trợ tiêu thụ vì đầu ra gặp khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trồng chôm chôm tại TP.Long Khánh mong được hỗ trợ tiêu thụ vì đầu ra gặp khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mong được tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển nông sản, thu hoạch trái cây tươi.

* Sản lượng trái cây lớn

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt gần 70 ngàn ha. Trong 2 tháng 7 và 8, tổng sản lượng thu hoạch của sản phẩm trồng trọt ước khoảng 367 ngàn tấn, chủ yếu tập trung vào mặt hàng trái cây đang hoặc sắp rộ vụ thu hoạch như: chôm chôm, chuối, thanh long, bưởi... Trong đó, các loại trái cây như: chôm chôm thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9; thanh long, mít, bưởi, cam, quýt thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12; chuối thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, tập trung chủ yếu tháng 11, 12…

Các kênh tiêu thụ chủ yếu của các loại trái cây tươi gồm thị trường trong tỉnh; thị trường lớn là TP.HCM và các tỉnh, thành trong nước; xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Trung Quốc, một số nước thuộc thị trường “khó tính” như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Trung Đông...

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều gặp khó khăn hơn, riêng nguồn tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại diễn ra bình thường. Theo đánh giá, vụ thu hoạch năm nay, đầu ra cho nhiều mặt hàng trái cây tươi khó khăn hơn hẳn mọi năm.

Trước tình hình đó, UBND TP.Long Khánh vừa ra văn bản số 2664/UBND gởi Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh đề nghị hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm chôm chôm trên địa bàn TP.Long Khánh. Cụ thể, TP.Long Khánh còn khoảng 2 ngàn tấn chôm chôm gồm: 1,3 ngàn tấn chôm chôm Thái, 650 tấn chôm chôm Java, 50 tấn chôm chôm nhãn cần được hỗ trợ tiêu thụ. Nguyên nhân do một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16, các nhà phân phối ở những thị trường tiêu thụ chôm chôm lớn như: Hà Nội, TP.HCM… không nhận hàng, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ chôm chôm của nông dân.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, hiện chôm chôm Java bán tại vườn có giá khoảng 3 ngàn đồng/kg; chôm chôm Thái loại 1 có giá khoảng 8-9 ngàn đồng/kg, loại 2 còn 6-7 ngàn đồng/kg. Giá thấp nên nhiều nhà vườn còn ít chôm chôm cuối vụ hầu như không thu hoạch vì tiền bán trái không đủ bù cho công hái. Những nhà vườn vào vụ trễ hiện mới bắt đầu rộ thu hoạch, HTX đã kết nối được một số đơn vị thu mua. Trong tuần tới có 1 đơn vị đến đặt hàng sẽ thu mua khoảng 40 tấn chôm chôm cho các xã viên HTX.

* Cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Thực hiện giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, UBND TP.Long Khánh kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng… tham gia hỗ trợ tiêu thụ chôm chôm trên địa bàn thành phố. Việc tăng tiêu thụ trái cây tươi tại chỗ cũng là giải pháp kịp thời nên UBND thành phố còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố vận động cán bộ, công chức, viên chức, gia đình, nhân dân… trên địa bàn thành phố tiêu thụ chôm chôm cho nông dân.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian gần đây, Sở đã ghi nhận nhiều trường hợp công ty phải “kêu cứu” trong việc vận chuyển phân phối thịt heo, rau củ quả ra thị trường. Các công ty cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức cho công nhân lao động đi lại do các chốt kiểm soát dịch bệnh tại nhiều địa phương đã ngăn chặn phương tiện vận chuyển, điều này có ảnh hưởng, thiệt hại đối với doanh nghiệp, đặc biệt với mặt hàng trái cây tươi cần thu hoạch ngay.

Để kết nối cung - cầu, tháo gỡ bớt khó khăn trong tiêu thụ trái cây tươi có tính chất mùa vụ cao, Sở NN-PTNT đã kiến nghị về việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương, nhất là các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua. Cần tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, Sở đã đề nghị ngành hàng logistics kiểm tra lại tổng kho dự trữ đông lạnh để có thể đưa một số sản phẩm vào ướp đông, kéo dài thời gian dự trữ chờ tiêu thụ khi thị trường khởi sắc hơn. Đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến; nhanh chóng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, tiêu thụ; nâng cao công suất, thời gian lưu kho, bảo quản nông sản cũng là giải pháp cần được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ Công thương sớm đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi tại các vùng đang có dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu; hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Đề nghị các bộ, địa phương liên quan điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu để theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc và các cảng biển nhằm chủ động thông tin kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, tránh phát sinh ùn ứ và các tác động khác.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều