Báo Đồng Nai điện tử
En

Linh động nguồn cung ứng tại chỗ

09:08, 17/08/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động các nguồn sản xuất, cung ứng thực phẩm, nông sản ngay trên địa bàn hoạt động vừa góp phần giảm tải áp lực về cung ứng hàng hóa thiết yếu, vừa gỡ khó đầu ra,...

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động các nguồn sản xuất, cung ứng thực phẩm, nông sản tại chỗ ở ngay trên địa bàn hoạt động.

Một điểm bán các loại nông sản địa phương bình ổn giá do Bưu điện Đồng Nai triển khai trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Bưu điện Đồng Nai cung cấp
Một điểm bán các loại nông sản địa phương bình ổn giá do Bưu điện Đồng Nai triển khai trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Bưu điện Đồng Nai cung cấp

Điều này vừa góp phần giảm tải áp lực về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho địa phương, vừa tìm hướng gỡ khó đầu ra, có thêm kênh tiêu thụ cho các sản phẩm, nông sản địa phương.

* Chủ động nguồn nguyên liệu, hàng hóa tại địa phương

Trong bối cảnh Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội, một số địa phương, khu vực đang phong tỏa để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều nhà vườn, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm đã chủ động sử dụng các nguồn nguyên liệu, sản phẩm tại địa phương nhằm linh động trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, nhất là khi nhiều chợ đầu mối đang tạm ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Dinh Dưỡng - Nutriworld (H.Thống Nhất) chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm, nấm mèo đóng gói chia sẻ, do tình hình dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất của công ty bị thu hẹp, công ty chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu, nhân lực tại chỗ để duy trì sản xuất, cung ứng cho một số khách hàng quen. Đây là phương án sản xuất mang tính tạm thời, về lâu dài, tùy vào tình hình diễn biến dịch Covid-19, công ty sẽ có tính toán phương án sản xuất phù hợp để thích nghi.

Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC chia sẻ, Sở sẽ chủ động các phương án cung ứng các mặt hàng nông sản của địa phương vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng lưu động tại các địa phương, cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản địa phương với các tỉnh, thành lân cận.

Ông Cao Chu Tuấn, chủ Cơ sở Sản xuất rau thủy canh Nhiệt Đới Farm cho biết, hiện nay cơ sở có 2 trang trại ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian qua, trang trại đã tạm ngừng cung ứng tới những đầu mối tiêu thụ ngoại tỉnh trước đây mà chuyển sang tập trung phân phối nhiều ở TP.Biên Hòa và một số khu vực lân cận 2 trang trại nói trên. Sản lượng cung ứng mỗi ngày hiện khoảng 400kg rau ăn lá và 700kg bầu, bí các loại. Giá cả được giữ bình ổn, nhiều mặt hàng còn giảm giá so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, cơ sở còn cung cấp rau miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, các dãy phòng trọ… trên địa bàn.

Tương tự, bà Bùi Thị Dậu, Giám đốc HTX Rau nấm sạch An Gia (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, HTX đã chủ động cung ứng nấm mối đen (một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giá bán cao hơn một số loại nấm thông thường khác) vào các điểm bình ổn giá tại địa phương với giá niêm yết hợp lý. Đây là một kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho hay, chợ hoạt động trở lại từ ngày 22-7, sau khi đã đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian gần đây, nguồn rau củ, trái cây từ các địa phương trong tỉnh được đưa về chợ để phân phối, tiêu thụ dần tăng lên sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

* Kết nối với các điểm bán hàng bình ổn giá

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cho nông sản địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, thực phẩm được nuôi trồng, sản xuất ở các địa phương trong tỉnh vào các điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá.

Theo bà Dương Thị Việt Hương, Phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai, hiện đơn vị đã triển khai 42 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã... trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu như: đồ khô, gạo, dầu ăn, nước mắm..., nhiều điểm bán hàng ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Thống Nhất còn cung ứng thêm các loại rau củ quả phục vụ người dân với giá bình ổn.

Đơn vị chủ động kết nối, đưa nguồn nông sản này từ các vùng trồng ở các địa phương trong tỉnh như: H.Cẩm Mỹ, H.Tân Phú, TP.Biên Hòa… vào các điểm bán hàng bình ổn giá nói trên nhằm hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có các vùng, khu vực trồng rau diện tích lớn đã chủ động nguồn cung ứng rau xanh cho các điểm bán hàng bình ổn giá ngay trên địa bàn để vừa phục vụ người dân địa phương mua sắm thực phẩm thiết yếu, vừa giúp các nhà vườn tìm kiếm đầu ra tại chỗ. 

Ông Trần Văn Hựu, một nhà vườn trồng rau ở KP.4C, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa cho biết: “Sau khi phần lớn các khu phố của P.Trảng Dài nằm trong diện cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19, tôi cùng nhiều nhà vườn ở địa phương đã được Đoàn phường kết nối tiêu thụ rau xanh vào các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn phường góp phần giúp các nhà vườn có thêm đầu ra, nhất là khi nhiều chợ đầu mối tạm đóng cửa vì tình hình dịch bệnh. Hiện nay, trung bình mỗi ngày vườn nhà tôi và các nhà vườn xung quanh cung cấp khoảng 1 tấn rau các loại như: rau diếp, mùng tơi, dền, cải ngồng, cải thìa… với giá bình ổn cho các điểm bán nhu yếu phẩm tại địa phương”.

Trong thời gian qua, Sở Công thương còn kết nối với các đơn vị: Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và các doanh nghiệp, trang trại, HTX trên địa bàn để tiêu thụ những mặt hàng nông sản, thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn giá trong tỉnh.

Hải Quân

Tin xem nhiều