Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản phẩm chăn nuôi từng bước cân đối cung - cầu

08:08, 03/08/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu ở các kênh bán lẻ như: chợ, siêu thị gặp khó khăn hơn, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho các loại sản phẩm thịt "nội" phải cạnh tranh gay gắt với các loại thịt đông lạnh nhập ngoại, nhất là khi một số chợ đầu mối đóng cửa, thương lái bị cách ly y tế vì dịch bệnh...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu ở các kênh bán lẻ như: chợ, siêu thị gặp khó khăn hơn, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho các loại sản phẩm thịt “nội” phải cạnh tranh gay gắt với các loại thịt đông lạnh nhập ngoại, nhất là khi một số chợ đầu mối đóng cửa, thương lái bị cách ly y tế vì dịch bệnh...

Người dân chọn mua các loại thịt tươi sống tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Người dân chọn mua các loại thịt tươi sống tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

* Đối mặt với nhiều khó khăn

Trong một số đợt cao điểm về nhu cầu sử dụng thực phẩm thiết yếu của người dân trong thời gian gần đây, sức mua các loại thịt ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán lẻ tăng đột biến khiến cho nhiều loại thịt tươi sống bị khan hàng cục bộ. Do đó, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang chọn mua các loại thịt đông lạnh nhập khẩu về để tích trữ nhằm hạn chế đến siêu thị, cửa hàng mua sắm trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đại diện nhiều siêu thị, đơn vị cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hiện các sản phẩm thịt tươi trong nước vẫn có nhiều lợi thế hơn và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn do tâm lý, thói quen thích sử dụng các loại thịt tươi thay vì sử dụng các sản phẩm thịt đông lạnh.

Chị Thùy Anh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây ưu tiên của chị khi đi chợ, siêu thị là chọn mua các loại thịt nội tươi sống, khá kén các loại thịt đông lạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, trong đợt giãn cách này, có một số thời điểm khó tìm mua các loại thịt tươi sống, chị đã chuyển sang chọn mua loại thịt nhập khẩu với giá rẻ hơn và khá đa dạng các loại thịt như: ba rọi, sườn non, cốt-lết, chân giò, móng giò, xương...

Hiện nay, giá heo hơi, gà công nghiệp mua tại chuồng tại nhiều địa phương đang giảm. Tuy nhiên, các chi phí về vận chuyển, trung gian lại tăng, nhất là khi một số chợ đầu mối vẫn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều thương lái bị cách ly y tế, một số đơn vị giết mổ, cung ứng thịt tươi cho thị trường tạm dừng sản xuất vì có trường hợp F0… Điều này khiến cho giá bán ra của các loại “thịt nội” nhìn chung vẫn ở mức cao, sức mua còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải cạnh tranh với nguồn thịt đông lạnh nhập về lớn, giá rẻ hơn.

Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh) chia sẻ, dù giá heo hơi giảm, lượng hàng cung ứng cho các hệ thống bán lẻ hiện nay tăng khoảng 20-30% so với ngày thường nhưng chi phí vận chuyển lại tăng, kèm theo các khoản phí về xét nghiệm SAR- CoV-2 cho nhân công, tài xế vận chuyển khiến cho giá thành sản xuất, giết mổ tăng theo. Ngoài ra, nhiều thương lái, nhà phân phối chủ yếu đặt hàng những phần thịt ngon, còn những bộ phận như: đầu, lòng… lại rất khó tiêu thụ vì nhiều kênh bán lẻ truyền thống bị gián đoạn, tạm ngừng hoạt động, điều này khiến tỷ lệ hao hụt sau giết mổ lớn hơn trước đây.

Tương tự, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, hiện người chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thực phẩm về gia cầm đang gặp nhiều khó khăn khi giá các loại gia cầm, nhất là gà công nghiệp giảm sâu, trong khi các chi phí vận chuyển lại “đội lên” do những tác động từ dịch bệnh Covid-19.

* Thị trường dần hạ nhiệt

Đại diện một số siêu thị trong tỉnh cho biết, trong đợt cao điểm những ngày đầu giãn cách xã hội, nhiều người đổ xô tích trữ các loại thực phẩm, rau củ quả, điều này đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng thực phẩm, trong đó có các loại thịt. Do đó, nhiều siêu thị đã nhập thêm các loại thịt đông lạnh về cung ứng để “giảm sức nóng” trên các kệ hàng. Đến nay, khi thị trường đã dần hạ nhiệt, lượng thịt heo tươi sống đã dần trở lại ổn định hơn.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Big C Đồng Nai cho hay, hiện nay nguồn cung các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả… của siêu thị đã dần ổn định, trong đó nguồn cung ứng các loại thịt tươi sống khá dồi dào, trong khi nhu cầu mua sắm, tích trữ thực phẩm của người dân cũng không còn “sốt” như những ngày đầu giãn cách xã hội.

Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, siêu thị ưu tiên nguồn cung ứng thịt từ các đơn vị cung cấp trong nước, nhất là các doanh nghiệp ở địa phương với sản lượng ổn định. Do đó, nguồn cung các loại thịt của siêu thị hiện vẫn khá dồi dào, ít chịu ảnh hưởng khi một số đơn vị, doanh nghiệp chế biến, cung ứng thịt lớn ở TP.HCM tạm ngừng hoạt động vì phát hiện những ca F0…

Ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay nguồn hàng của công ty dồi dào, công ty vẫn đang chủ động nguồn cung vào các hệ thống siêu thị, các điểm bán bình ổn giá. Công ty có kế hoạch điều tiết lượng cung ứng cho thị trường một cách phù hợp khi có biến động xảy ra. Đợt này, do một số đơn vị giết mổ, chế biến thịt ở TP.HCM đang tạm đóng cửa vì dịch Covid-19 nên công ty đã tăng cường lượng hàng cung ứng cho các đối tác, có nhiều thời điểm tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

            Lam Phương

Tin xem nhiều