Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần hỗ trợ để giải quyết khó khăn

09:10, 19/10/2021

Hiện nay, UBND tỉnh đang nới lỏng các quy định giãn cách để phục hồi kinh tế - xã hội, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp đã lên kế hoạch khôi phục lại sản xuất. Trong quá trình thực hiện, các DN gặp một số vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo hoạt động.

Hiện nay, UBND tỉnh đang nới lỏng các quy định giãn cách để phục hồi kinh tế - xã hội, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp đã lên kế hoạch khôi phục lại sản xuất. Trong quá trình thực hiện, các DN gặp một số vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo hoạt động.

Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss  (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG

Theo Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 43,6 ngàn DN đăng ký thành lập trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia với tổng vốn đăng ký gần 387,4 ngàn tỷ đồng. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều DN phải ngừng hoặc giảm hoạt động, muốn phục hồi nhanh cần có những chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành chức năng.

* Những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Có 4 vấn đề vướng mắc lớn DN trên địa bàn tỉnh đang cần được tháo gỡ kịp thời để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh là: phân bổ vaccine phòng Covid-19 để tiêm đủ 2 mũi cho người lao động; thiếu vốn; hướng dẫn chi tiết việc phòng, chống dịch bệnh và giải quyết nhanh các loại hồ sơ, thủ tục. Nếu các vấn đề này được giải quyết sớm thì tốc độ phục hồi của DN sẽ nhanh hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế (các dự báo này cho rằng cần khoảng 5-6 tháng để phục hồi).

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết: “Dịch bệnh đã khiến nhiều DN vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tỉnh đã trở lại trạng thái “bình thường mới’, DN đang khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng hầu hết đều thiếu vốn, do đó rất mong được khoanh nợ và tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để vượt qua thời điểm khó khăn này. Các DN cũng mong muốn các tỉnh, thành thống nhất phương án phòng, chống dịch và lưu thông hàng hóa để quá trình hoạt động không gặp cản trở”.

Khi các tỉnh, thành tiến hành mở cửa trở lại, lúc đầu gặp những cản trở trong việc bổ sung lao động, cho lao động đi, về giữa các huyện, thành phố, tỉnh. Tuy nhiên, qua góp ý của các DN và các hiệp hội, nhiều vướng mắc đã được từng bước tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người lao động. Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác đều xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp nên việc nới lỏng các quy định sẽ được cân nhắc để đảm bảo được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty đang tiến hành khôi phục hoạt động sản xuất, đưa được khoảng 70% lao động trở lại làm việc. Sau hơn 3 tháng thực hiện cho lao động lưu trú tại nhà máy, người lao động rất mệt mỏi nên công ty đã đăng ký cho lao động đi, về hằng ngày, nhưng thực hiện theo lộ trình. DN đang bổ sung lao động để tăng công suất nhà máy, trở lại hoạt động bình thường. Vì thế, mong muốn nhất của công ty là được hỗ trợ khoảng 400 liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm toàn bộ mũi 2 cho người lao động, an tâm sản xuất”. 

* Cần các văn bản hướng dẫn chi tiết

Vấn đề khiến nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đang bối rối nhất hiện nay là các văn bản về phục hồi kinh tế, phòng, chống dịch bệnh liên tục ban hành và có nhiều thay đổi. Vì vậy, nhiều DN mong muốn sau khi văn bản của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành thì các sở, ngành hướng dẫn chi tiết để DN làm thủ tục và phê duyệt nhanh hồ sơ để có thể triển khai sớm.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (H.Long Thành) nói: “Hơn 2 tuần qua, các DN FDI trong Khu công nghiệp Long Đức đã liên tục bổ sung lao động và cho lao động đi, về hằng ngày để phục hồi hoạt động sản xuất. Các DN đều yên tâm hơn khi chính quyền tỉnh tiếp tục nới lỏng các quy định về phòng, chống dịch để tạo thuận lợi cho công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các DN cũng mong tỉnh có hướng dẫn chi tiết trường hợp nhà máy xảy ra F0 thì dừng sản xuất như thế nào, thời gian dừng sản xuất là bao lâu để DN lên kế hoạch sản xuất phù hợp, không ảnh hưởng các đơn hàng”.

Gần 1 tháng qua, Chính phủ, Đồng Nai và các tỉnh, thành khác cũng liên tục ban hành các văn bản về phục hồi kinh tế. Trong đó có nhiều văn bản quy định thêm về việc đi lại của người lao động, lưu thông hàng hóa, bổ sung lao động của DN... Có những văn bản ban hành cách nhau 1-2 ngày khiến DN gặp khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện. Do đó, DN hy vọng chính sách ban hành ổn định lâu dài và trao quyền cho DN chủ động lên kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất. Đồng thời, các văn bản giữa các tỉnh, thành phải thống nhất để khi di chuyển lao động, hàng hóa giữa các tỉnh, thành không gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định: “Đồng Nai cố gắng kiểm soát tốt dịch bệnh, đề xuất Chính phủ bổ sung vaccine để tiêm phòng cho người lao động và tiếp tục nới lỏng các quy định, tạo thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất. DN có những khó khăn, vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DN trong khu công nghiệp) hoặc Sở LĐ-TBXH (DN ngoài khu công nghiệp) để được hướng dẫn cụ thể”.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà hiện nay những tỉnh, thành khác cũng phải căn cứ vào việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn để có những quy định mở cửa cho phù hợp trong tình hình mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hương Giang

Tin xem nhiều