Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ sản xuất khoai mì nhiều thuận lợi

08:11, 09/11/2021

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, khoai mì và sản phẩm từ khoai mì là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, khoai mì và sản phẩm từ khoai mì là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19.

Mô hình khảo nghiệm giống mì kháng dịch khảm lá tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Mô hình khảo nghiệm giống mì kháng dịch khảm lá tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Hiện nay, nông dân trồng mì bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy năng suất cây trồng này vẫn bị ảnh hưởng do dịch khảm lá nhưng giá bán tăng cao hơn mọi năm nhờ xuất khẩu tốt.

* Xuất khẩu tốt

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng của năm 2021, xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 2,15 triệu tấn, trị giá trên 856,4 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng xuất khẩu mì đạt gần 713,6 ngàn tấn, trị giá trên 183,9 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 62,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì của Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mặt hàng này vẫn còn rất lớn khi Việt Nam tận dụng được các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Cụ thể, theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, tinh bột mì là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng 30 ngàn tấn/năm.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vụ hè thu năm 2021, diện tích mì của các tỉnh, thành khu vực Nam bộ đạt trên 64 ngàn ha, giảm hơn 2,7 ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung nguyên liệu giảm trong khi xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì tăng cao nên vụ thu hoạch năm nay, mặt hàng nông sản này bán được với giá tốt. Theo khảo sát, hiện giá củ mì tươi thương lái thu mua ở tỉnh Tây Ninh, địa phương tập trung nhiều nhà máy chế biến là hơn 3 ngàn đồng/kg, các tỉnh, thành lân cận có mức giá thu mua dao động từ 2,6-2,7 ngàn đồng/kg. Mức giá này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là thông tin vui cho nông dân trồng mì sắp vào vụ thu hoạch. Ông Trần Quốc Sang, nông dân trồng mì tại xã Trị An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, gần 1 tháng nữa ông sẽ thu hoạch rẫy mì. Vụ thu hoạch năm nay, tuy ông vẫn lo lắng về năng suất mì bị giảm vì dịch khảm lá nhưng vui nhiều hơn lo vì khảo sát thấy giá mì tăng hơn 1 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái cũng tích cực thu mua mặt hàng này hơn so với mọi năm vì hiện nay nhiều nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu do xuất khẩu mặt hàng này tăng cao so với mọi năm.

* Nhân rộng giống mì kháng khảm lá

Vài năm trở lại đây, nông dân trồng mì gặp rất nhiều khó khăn do dịch khảm lá lan rộng trên cây mì. Để kiểm soát, giảm thiểu mức độ phát sinh, gây hại của dịch này, các địa phương rất quan tâm công tác kiểm dịch nội địa; điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm bệnh để khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh... Trong đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tạo ra những giống mì kháng dịch khảm lá.

Theo đó, thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đã nhập hàng chục nguồn gen và hàng ngàn dòng lai mới từ các nước về để lai tạo ra giống mì hoàn toàn kháng bệnh khảm lá với mục tiêu tạo ra các giống mì kháng khảm lá và có những đặc tính quý hiếm của cây mì Việt Nam.

Bà Phạm Thị Nhạn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cho biết, với sự hợp tác và hỗ trợ của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), đơn vị đã thực hiện khảo nghiệm bộ giống khoai mì TMEB419 có gen kháng bệnh khảm lá nhập khẩu từ châu Phi. Kết quả sau 3 vụ trồng khảo nghiệm giống mì trên, đơn vị đã tìm được một số dòng triển vọng đáp ứng được cả kiểu hình cũng như năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột. Cụ thể, giống mì mới này có những ưu điểm vượt trội như: năng suất trồng thử nghiệm đạt 42,5 tấn/ha (năng suất bình quân của cây mì của Việt Nam hiện đạt trên 20 tấn/ha); hàm lượng tinh bột trong củ cao, giống sinh trưởng tốt với điều kiện khí hậu miền Nam… “Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đang đẩy mạnh việc nhân nhanh và hoàn thiện thủ tục tự công bố lưu hành cho giống TMEB419 để có thể chuyển giao cho bà con trồng mì trong khu vực vào vụ tới. Ngoài ra, trung tâm cũng đang khảo nghiệm nhiều giống mì kháng dịch khảm lá để đa dạng nguồn giống cung cấp cho nông dân” - bà Nhạn cho biết.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, sau một thời gian nghiên cứu, Viện Di truyền nông nghiệp đã trồng 2 giống mì HN5 và HN3 chống chịu tốt và kháng với bệnh khảm lá, đã được Cục Trồng trọt công bố lưu hành. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đang đẩy mạnh việc nhân nhanh, trồng các giống mì chống chịu được dịch khảm lá. Với việc có thêm nhiều giống mì mới kháng bệnh khảm lá sẽ góp phần giảm diện tích mì nhiễm dịch này trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều