Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất siêu giảm và nỗi lo nguồn nguyên liệu

11:12, 29/12/2021

Sau 5 năm liên tiếp xuất siêu liên tục tăng cao, năm 2021, tỷ lệ xuất siêu của Đồng Nai đột ngột giảm mạnh. Nguyên nhân được cho là do chuỗi cung ứng nguyên liệu trong nước bị đứt gãy, giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Sau 5 năm liên tiếp xuất siêu liên tục tăng cao, năm 2021, tỷ lệ xuất siêu của Đồng Nai đột ngột giảm mạnh. Nguyên nhân được cho là do chuỗi cung ứng nguyên liệu trong nước bị đứt gãy, giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển tăng mạnh. Doanh nghiệp (DN) đang trên đà phục hồi khá tốt sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nhưng vẫn không thoát khỏi lo lắng nguồn cung nguyên liệu.

 Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang

Theo UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 gần 21,2 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm trước và nhập khẩu hơn 19,9 tỷ USD, tăng trên 36% và xuất siêu hơn 1,25 tỷ USD. Năm 2021, xuất siêu của Đồng Nai giảm 3 tỷ USD so với năm 2020.

* Chịu tác động lớn từ dịch bệnh

Năm 2021, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong quý III. Nhiều nhà máy phải dừng sản xuất hoặc giảm công suất vì giãn cách xã hội, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải tăng từ 3-7 lần khiến DN đối mặt với hàng loạt khó khăn. Những tác động trên đã dẫn đến chuỗi cung nguyên liệu trong nước bị đứt gãy, DN buộc phải tăng nhập khẩu để tiếp tục sản xuất, hoàn tất đơn hàng cho đối tác.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các linh kiện máy móc xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nguyên liệu đầu vào là sắt thép được mua ở thị trường trong nước và nhập khẩu. Dịch bệnh đã khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn từ khâu mua nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển hàng hóa vì mọi chi phí đều tăng cao. Vì thế, giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh”.

Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam nên nhu cầu về nguyên liệu sản xuất, vận chuyển hàng hóa rất lớn. Do đó, những tác động liên quan đến nguồn cung nguyên liệu, logistics sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp của tỉnh do 50-70% nguyên liệu cho ngành Công nghiệp vẫn phải nhập khẩu.

Giá nguyên vật liệu, công vận chuyển, chi phí sản xuất “leo thang” đã góp phần làm cho xuất siêu của Việt Nam cũng như Đồng Nai trong năm 2021 đã giảm mạnh. Cụ thể, 11 tháng của năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 299,45 tỷ USD, nhập khẩu 299,67 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD. Tại Đồng Nai, 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu 19,2 tỷ USD và nhập khẩu gần 17 tỷ USD, xuất siêu của tỉnh tuy có giảm mạnh nhưng tỷ lệ vẫn cao gấp gần 10 lần so với cả nước. Tuy nhiên, trong quý III, Đồng Nai hầu như phải nhập siêu vì nhiều nhà máy trong nước không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không đủ nguyên liệu cung ứng.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Năm nay, xuất siêu của tỉnh giảm mạnh là do chuỗi cung ứng nguyên liệu trong nước bị đứt gãy do dịch bệnh Covid-19. Các DN buộc phải tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài về để sản xuất. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao cũng góp phần làm cho xuất siêu giảm”.

* Khó tính toán “đường xa”

Nhiều DN ở Đồng Nai có dự tính sẽ tiếp tục phục hồi và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu. Thế nhưng, các DN luôn “căng như dây đàn” và phải theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên thế giới để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp nhằm giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc đối ngoại Công TNHH Rohm and Hass Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch) cho biết: “Romh chuyên sản xuất các loại hóa chất, khoảng 70% tiêu thụ nội địa và 30% xuất khẩu đơn hàng cho công ty khá dồi dào. Năm 2021, dịch bệnh tác động rất lớn đến sản xuất của công ty nhưng Romh vẫn cố gắng thực hiện mục tiêu kép nhằm đảm bảo doanh thu và đời sống cho người lao động. Đến nay, công ty đã phục hồi sản xuất 100%, đang có kế hoạch tăng công suất đáp ứng các đơn hàng lớn cho năm 2022”. Cũng chính ông Sơn chia sẻ thêm, DN không lo thiếu đơn hàng, nhưng lại lo về nguồn cung nguyên liệu, vận chuyển và lao động.

Theo các DN, hiện nay giá nguyên liệu nhập khẩu, công vận chuyển hàng hóa vẫn tiếp tục tăng phi mã, nhiều nhà máy không dám ký đơn hàng lớn dài hạn với đối tác, vì ngại không kiểm soát được giá nguyên liệu và chi phí logistics, rất dễ thua lỗ và bị phạt hợp đồng. Đơn cử, đầu năm 2020, giá công vận chuyển hàng hóa sang Hoa Kỳ chỉ gần 3 ngàn USD/container và thời gian vận chuyển khoảng 40 ngày. Thế nhưng, hiện chi phí tăng lên 21 ngàn USD/container và thời gian vận chuyển 60-70 ngày. Bên cạnh đó, chưa kể những bất trắc khác cũng cận kề như: thiếu container rỗng, hàng hóa phải nằm chờ, thời gian hàng hóa nằm chờ các cảng cũng nhiều hơn.

Các vấn đề trên là bài toán khó buộc DN tính toán rất kỹ từng khâu để đảm bảo đơn hàng cho đối tác, nếu không rất dễ bị phạt vi phạm hợp đồng và mất khách hàng.

Năm 2022 vẫn là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, DN rất khó tính đường xa vì dịch bệnh vẫn còn đe dọa với biến chủng mới Omicron. Nếu biến chủng Omicron được khống chế tốt, không lây lan ra diện rộng thì kinh tế toàn cầu sẽ có những bước phục hồi, tăng trưởng nhanh. Như vậy, DN bớt khó khăn trong việc lo chuỗi cung ứng bị đứt gãy, không đủ nguyên liệu cho sản xuất.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều