Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc trong cấp sổ đỏ cho đất rừng

12:02, 24/02/2022

Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai còn hơn 10 ngàn ha đất rừng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hiện từng chủ rừng đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết những vướng mắc để được cấp sổ đỏ, góp phần vào việc quản lý, bảo vệ đất rừng tốt hơn.

Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai còn hơn 10 ngàn ha đất rừng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hiện từng chủ rừng đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết những vướng mắc để được cấp sổ đỏ, góp phần vào việc quản lý, bảo vệ đất rừng tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng kiểm tra đất lâm nghiệp tại H.Vĩnh Cửu . Ảnh: H.Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng kiểm tra đất lâm nghiệp tại H.Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Giang

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch 3 loại rừng của Đồng Nai là hơn 180,3 ngàn ha, trong đó diện tích đất có rừng trên 165,3 ngàn ha nhưng diện tích đất rừng được cấp sổ đỏ mới đạt gần 132 ngàn ha.

* Hàng chục ngàn ha chưa cấp sổ đỏ

Hiện nay, trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 48 ngàn ha đất lâm nghiệp do các ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị lâm nghiệp trung ương, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý chưa được cấp sổ đỏ. Nguyên nhân là do trong những thửa đất trên có một phần bị tranh chấp, lấn chiếm, có đường giao thông, sông suối, mặt nước chuyên dùng hoặc chưa hoàn thành phương án sử dụng đất. Do đó, ngành TN-MT tạm thời gác lại, chờ giải quyết xong các vướng mắc trên mới tiếp tục xem xét cấp sổ đỏ.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật lâm sinh và đất đai (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết: “Khu bảo tồn hiện còn hơn 5 ngàn ha đất rừng chưa được cấp sổ đỏ là do còn đợi hoàn thiện phương án sử dụng đất để UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, cũng có một số diện tích đất rừng có người dân sinh sống từ lâu và có xây dựng nhà trên đó nên phải đợi bóc tách phần diện tích xây dựng nhà ra và có phương án xử lý phù hợp. Sau khi những vấn đề trên được giải quyết, khu bảo tồn sẽ đề xuất cấp sổ đỏ để quản lý, bảo vệ đất rừng”.

Toàn tỉnh có 7 đơn vị đang quản lý đất rừng vẫn còn nhiều diện tích chưa được cấp sổ đỏ. Những đơn vị còn nhiều diện tích chưa cấp giấy là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho hay: “Ban được giao quản lý hơn 5,6 ngàn ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 4,9 ngàn ha đã được cấp sổ đỏ, còn lại hơn 700ha chưa được cấp sổ là do bản đồ địa chính không chồng khớp, đất đai có sự biến động phải đo đạc, điều chỉnh lại. Đồng thời, có một phần nhỏ diện tích bị các hộ dân nhận khoán tranh chấp làm ảnh hưởng đến cả thửa đất lớn chưa cấp được sổ”.

* Nhanh chóng cấp sổ để quản lý chặt chẽ hơn

Đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý là đất công, do đó, có sổ đỏ giúp bảo vệ được nghiêm ngặt, tránh bị tranh chấp và lấn chiếm. Những năm gần đây, giá đất của Đồng Nai tăng rất cao, gấp 2-8 lần so với 5 năm trước nên việc quản lý đất công ngày càng khó khăn, nếu không cắm mốc, cấp sổ, công khai rõ ràng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ dễ bị lấn chiếm.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết: “Nhiều diện tích đất rừng chưa cấp được sổ đỏ là do trong cả thửa đất lớn có diện tích từ vài chục đến cả trăm ha có một vài hộ dân sinh sống từ trước năm 1975 và họ cho rằng đất đó thuộc sở hữu của họ, dẫn đến tranh chấp nên ngành TN-MT tạm thời không cấp giấy. Bên cạnh đó, có những hộ dân được giao khoán đất rừng 50 năm không đồng ý cấp sổ cho chủ rừng cũng ảnh hưởng đến việc cấp sổ”.

Cũng theo ông Gọi, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với Sở TN-MT, các địa phương, chủ rừng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trên để sớm có thể cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất rừng để các đơn vị quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả các dịch vụ từ rừng, tăng thêm nguồn thu giúp bảo vệ rừng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trước đây, Đồng Nai đã xây dựng đề án quản lý đất công gồm có đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp… do các nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý nhưng việc triển khai chậm. Đây cũng là một trong những lý do khiến còn nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị chủ rừng, địa phương rà soát từng trường hợp vướng mắc để tham mưu cho tỉnh phương pháp tháo gỡ và giải quyết. Trong quá trình rà soát các trường hợp trên sẽ phân loại, những trường hợp nào dễ sẽ giải quyết trước. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung giải quyết những vướng mắc về đất lâm nghiệp, đất lâm trường cao su, đất quốc phòng để cấp giấy, hạn chế tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, khiếu nại”.

Ngoài giải quyết những vướng mắc để cấp sổ đỏ cho đất lâm nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí cho các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn Đồng Nai tổ chức đo đạc, xác định ranh giới, cắm mốc ranh đất, bàn giao hồ sơ mốc giới cho các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ để quản lý, sử dụng đất công theo đúng quy định của Chính phủ.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều