Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp quy định tái chế sản phẩm, bao bì

11:03, 16/03/2022

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì hàng hóa có chứa nhựa phải có trách nhiệm tái chế bao bì hoặc đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải ít có khả năng tái chế. Đây là trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đã được luật hóa.

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì hàng hóa có chứa nhựa phải có trách nhiệm tái chế bao bì hoặc đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải ít có khả năng tái chế. Đây là trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đã được luật hóa.

Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có chứa nhựa phải tái chế, đóng tiền xử lý chất thải. Trong ảnh: Người dân chọn mua hàng tại siêu thị BigC Đồng Nai. Ảnh: B.MAI
Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có chứa nhựa phải tái chế, đóng tiền xử lý chất thải. Trong ảnh: Người dân chọn mua hàng tại siêu thị BigC Đồng Nai. Ảnh: B.MAI

Quy định này được kỳ vọng giảm bớt chất thải nhựa, bổ sung nguồn tài chính cho công tác quản lý, xử lý môi trường.

* Có trách nhiệm môi trường suốt vòng đời sản phẩm

Chia sẻ tại hội thảo Phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường diễn ra mới đây, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) Phan Tuấn Hùng cho biết, trước đây nhà sản xuất chỉ có trách nhiệm xử lý chất thải (rắn, nước, khí) trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2022, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm về môi trường suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ.

Cụ thể, đối với sản phẩm, bao bì hàng hóa có giá trị tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu buộc phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (trừ tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm). DN có thể tự tái chế, hợp đồng với bên thứ 3 tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ hoạt động tái chế.

Đối với sản phẩm, bao bì ít có khả năng tái chế, khó thu hồi, khó tái chế như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp dùng một lần, DN buộc phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải. DN không tuân thủ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đồng thời công khai thông tin vi phạm.

Túi ny-lông thân thiện với môi trường không phải tái chế, đóng tiền xử lý chất thải. Trong ảnh: Siêu thị Co.opmart Biên Hòa sử dụng túi ny-lông thân thiện với môi trường cho khách
Túi ny-lông thân thiện với môi trường không phải tái chế, đóng tiền xử lý chất thải. Trong ảnh: Siêu thị Co.opmart Biên Hòa sử dụng túi ny-lông thân thiện với môi trường cho khách

Chia sẻ về thông tin này, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam Huỳnh Thị Mỹ cho rằng, quy định “nới” trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu cho đến khi sản phẩm thải bỏ là phù hợp, nhiều quốc gia đã làm. Tuy nhiên, quy định mức phí 1,5 ngàn đồng/kg túi
ny-lông, bao bì nhựa (trừ bao bì được Bộ TN-MT chứng nhận thân thiện với môi trường), đồ nội thất có chứa nhựa là quá cao. Mức phí này tương đương lợi nhuận (4-5%) của DN. Việc áp dụng quy định này ngay đầu năm 2022 khiến nhiều DN trong hiệp hội gặp khó khăn.

Tương tự, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cho ý kiến, thuốc lá đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu thêm phí hỗ trợ xử lý chất thải 60 đồng/gói 20 điếu thì lợi nhuận sẽ không còn. Chưa kể 1 bao thuốc lá vừa phải tái chế (bao bì giấy, màng co bên ngoài), vừa phải đóng tiền xử lý chất thải (mẫu điếu thuốc). Quy định đã ban hành thì DN phải tuân thủ, nhưng Bộ TN-MT xem xét đề xuất điều chỉnh mức đóng hợp lý sau khoảng 1 năm thực hiện.

* Chi phí hỗ trợ

Theo Bộ TN-MT, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đã được đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các thông tư mới đây mới cụ thể trách nhiệm, lộ trình thực hiện. Theo đó, tỷ lệ tái chế bao bì từ 15-20% giá trị lô hàng, tùy theo nhóm sản phẩm và được điều chỉnh 3 năm/lần theo hướng tăng dần. Tương tự, phí hỗ trợ xử lý chất thải khó tái chế được tính bao, gói, kg hoặc 1% tổng giá trị lô hàng.

Ông Phan Tuấn Hùng cho rằng, quy định này là giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước, giảm nhập khẩu bao bì, từ đó giảm rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, đây là công cụ tài chính về môi trường hỗ trợ xử lý chất thải mà không cần tăng thuế hay phí. Điều này cũng góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, điều chỉnh quy trình sản xuất và thói quen tiêu dùng theo hướng thân thiện hơn với môi trường.

Theo Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, đơn vị luôn đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện DN đã xây dựng kế hoạch và cam kết lộ trình đến năm 2025, 100% bao bì nhựa của Nestlé được tái chế hoặc tái sử dụng. Để đạt được mục tiêu này, DN hợp tác với các đối tác và thực hiện giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì sản phẩm; hỗ trợ thu gom chất thải; tài trợ và hỗ trợ chi phí tái chế bao bì nhựa, giấy, kim loại; sử dụng sản phẩm tái chế để đóng gói sản phẩm.

Bà Lê Thêu, đại diện Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam (thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan) cho rằng, vài năm gần đây, DN rất quan tâm cải tiến bao bì. Hiện có khoảng 50% bao bì sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường, dễ tái chế. Tuy nhiên, việc đăng ký bao bì sinh thái khá phức tạp, tiêu chí bao bì thân thiện với môi trường chưa rõ ràng. DN chưa xác định được đơn vị sản xuất ra bao bì hay đơn vị có sản phẩm bên trong bao bì có nghĩa vụ tái chế, xử lý chất thải.

Ngoài các ý kiến trên, nhiều DN băn khoăn về quản lý, sử dụng tài chính do DN đóng góp. Quản lý các cơ sở tư nhân, cơ sở sản xuất lậu vì đối tượng này không chịu thuế môi trường, không thực hiện trách nhiệm mở rộng nên sản xuất nhiều, bán rẻ.   

6 nhóm sản phẩm buộc phải tái chế bao bì là: săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì khác; điện, điện tử; phương tiện giao thông (ô tô, xe máy). DN được lựa chọn tự tái chế, hợp tác tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế.

6 nhóm sản phẩm phải đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; sản phẩm chứa nhựa tổng hợp (đồ chơi trẻ em, giày dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần…). DN phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Trung ương hoặc tỉnh.

Ban Mai

Tin xem nhiều