Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm 2 công trình điện quy mô lớn

08:04, 16/04/2022

Đó là dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An và dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Theo kế hoạch, 2 dự án này sẽ lần lượt khởi công trong các năm 2022 và 2023.

Đó là dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An và dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Theo kế hoạch, 2 dự án này sẽ lần lượt khởi công trong các năm 2022 và 2023.

Khu vực triển khai dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An. Ảnh minh họa: L.An
Khu vực triển khai dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An. Ảnh minh họa: L.An

Việc có thêm 2 công trình điện quy mô lớn sẽ góp phần đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về vận hành, hạ tầng truyền tải.

* Dự án lớn nhất miền Nam

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô gần 54ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, công suất 1,5 ngàn MW là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên ở Việt Nam và là dự án nhiệt điện lớn nhất miền Nam tính đến thời điểm hiện tại. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019, dự kiến khởi công đầu năm 2021 nhưng vì vướng mặt bằng nên chuyển sang năm 2022.

Đại diện Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), chủ đầu tư dự án cho biết, đơn vị đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kho chứa nhiên liệu đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đã ký hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - mua sắm - xây dựng - lắp đặt - chạy thử và nghiệm thu) với liên doanh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Một số hạng mục hạ tầng đã khởi động. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào vận hành cuối năm 2024 đối với Nhơn Trạch 3 và cuối năm 2025 đối với Nhơn Trạch 4. Khi đó, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh, bằng khoảng 60% tổng nhu cầu năng lượng của tỉnh Đồng Nai.

Công trình thứ 2 là dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, công trình thủy điện lớn nhất miền Nam tại thời điểm được phê duyệt. Dự án được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có quy mô gần 95ha, tổng mức đầu tư hơn 3,9 ngàn tỷ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 200MW. Dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phó tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch khởi công dự án vào khoảng quý II-2023, đưa vào vận hành năm 2026. Khi cả 4 tổ máy vận hành (2 tổ máy cũ) sẽ đảm bảo công suất 400MW theo thiết kế, cho sản lượng điện trung bình hằng năm 1,7 tỷ KWh. Đồng thời, giúp tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, ổn định truyền tải và giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, cho phép chủ đầu tư chuyển đổi một phần đất rừng sang làm dự án và trồng rừng thay thế.

* Cân đối nguồn cung và hạ tầng truyền tải

Bên cạnh 2 công trình điện của các “ông lớn” trong ngành là PV Power và EVN nói trên, từ nay đến năm 2025, các đơn vị là Điện lực miền Nam, Điện lực Đồng Nai và một số nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời cũng có kế hoạch triển khai công trình, dự án điện trên địa bàn tỉnh. Việc có thêm các công trình, dự án năng lượng tại chỗ là tín hiệu tích cực, đảm bảo nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và vùng lân cận. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về vận hành lưới điện, hệ thống truyền tải.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, khi triển khai các dự án sản xuất điện, nhà đầu tư đã tính toán sản lượng và phụ tải (đường dây, trạm biến áp) để vận hành. Trường hợp sản lượng cao mà phụ tải không phát triển kịp sẽ gây áp lực cho hệ thống lưới truyền tải, đường dây và trạm biến áp phải vận hành trong điều kiện quá tải, mất an toàn. Do vậy, vấn đề đặt ra là phát triển sản lượng phải đi đôi với phát triển đường truyền tải, trạm biến áp, tăng cường máy biến áp cho các trạm. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 do Bộ Công thương phê duyệt cuối năm 2015 cũng chỉ ra, nhu cầu điện của tỉnh Đồng Nai vẫn tăng cao trong giai đoạn 2016-2025; phát triển các công trình điện phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa nguồn cung và lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Theo ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT PV Power, phần quan trọng nhất quyết định cơ bản sự thành công và hiệu quả của dự án là hợp đồng EPC đã được các bên ký kết vào tháng 3 vừa qua. Trong giai đoạn tới, PV Power tiếp tục tham vấn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và các cơ quan có liên quan để triển khai dự án và hoàn thiện các hợp đồng: mua bán điện, mua bán khí cũng như đầu tư các đường dây đồng bộ với tiến độ của dự án. Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch sẽ ưu tiên cung ứng điện cho trung tâm phụ tải miền Nam với 3 khu vực phụ tải lớn là: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ đầu tư dự án Mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An cho rằng, dự án này giúp tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, nên hệ thống đường truyền, trạm và máy biến áp sẽ được đầu tư tương ứng để đảm bảo sản lượng cũng như ổn định đường truyền.

Làm việc với PV Power về một số vướng mắc của dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, dự án đã được Thủ tướng phê duyệt thời gian vận hành thương mại. Do đó, PV Power phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Ông Kèo thống nhất chi phí sử dụng hạ tầng chung trong phạm vi khu công nghiệp, phối hợp với UBND H.Nhơn Trạch chi trả tiền bồi thường phần diện tích còn lại. Khi triển khai xây dựng, chủ đầu tư giám sát, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Ưu tiên cung ứng điện cho tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận.

Lê An

Tin xem nhiều