Cải cách hành chính: Cần cú hích mạnh

Cập nhật lúc 10:41, Thứ Năm, 04/01/2007 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng cải cách hành chính đang rất cần một cú “hích” đột phá vào những vấn đề căn cơ, để bắt kịp với tốc độ hội nhập của nền kinh tế.

 

Chiều hướng suy giảm

 

Thủ tục hành chính vẫn gây nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (Ảnh: TBKTSG)

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32 về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

 

Chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước phải rà soát, sửa đổi các quy định gây phiền hà về thủ tục hành chính; công bố công khai ngay các quy trình, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc cho dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ; kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức...

 

TPHCM thì chính thức triển khai mô hình “một cửa liên thông” ở một số sở, ngành và quận, huyện, xã, phường. Cụ thể như Sở Tài nguyên và Môi trường, quận 12, Tân Bình, Bình Chánh, Củ Chi... Hà Nội cũng phát động một “chiến dịch” cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước.

 

Tuy nhiên, nhìn chung chưa có địa phương nào, ngành nào đạt được kết quả rõ ràng, ấn tượng. Ngược lại, căn cứ vào điều tra của các tổ chức trong và ngoài nước thì tình hình cải cách hành chính dường như đang có chiều hướng suy giảm.

 

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam bị tụt mất sáu bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh so với năm trước. Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa công bố kết quả khảo sát: năm 2006, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp là 2,25/4 trong khi chỉ số đó của năm 2005 là 2,32/4.

 

Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 32 cũng nhận định: “Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công... còn rất phổ biến, có lúc, có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và kinh doanh, gây bức xúc trong xã hội”.

 

Đặc biệt, nổi lên căn bệnh chạy theo thành tích, hình thức thể hiện qua những báo cáo “nói vậy mà không phải vậy” ở khá nhiều nơi. Thoạt đầu là vụ các sở, ngành, quận, huyện tại TPHCM tự khảo sát và đưa ra những con số cao chót vót về mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công do mình cung cấp.

 

Ví dụ, theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TPHCM, mức độ hài lòng trong năm tháng đầu năm 2006 ở các quận, huyện đạt bình quân trên 90%, cá biệt có nơi đạt trên 99%; các đơn vị sở-ngành cũng đạt từ 75-99%... Các sở, ban ngành của Hà Nội cũng không thua kém khi công bố có tới 99,42% hồ sơ của dân được giải quyết đúng hẹn trong gần ba năm qua. Những con số hầu như chẳng ai tin, thậm chí cả những người trong cuộc.

 

Phải như chống bão

 

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM đã không ngần ngại khẳng định rằng cải cách hành chính là vấn đề lớn nhất của tất cả mọi vấn đề ở nước ta hiện nay. “Đất nước phát triển hay không phát triển, phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững đều phụ thuộc vào cải cách hành chính”.

 

Ông lo ngại rằng nếu không có sự đột phá vào những vấn đề căn cơ thì không chỉ năm 2007 mà cả những năm tiếp theo cải cách hành chính vẫn chỉ “lềnh bềnh” và chỉ “đi được những bước rất nhỏ trong một quá trình dài thăm thẳm”. Theo ông, vấn đề thiết thực nhất là lương cho cán bộ, công chức. “Lương của một giám đốc sở hiện nay chưa tới hai triệu đồng, còn những người khác khoảng 1,5 triệu trở xuống. Vậy, thử hỏi bộ máy hành chính có thu hút được những người giỏi hay không? Liệu những người có trình độ đại học, giỏi ngoại ngữ, tin học có xin vào ủy ban phường làm không? Chất lượng đầu vào như thế làm sao cải cách hành chính?”.

 

Nhưng có ý kiến cho rằng tiền lương chưa phải là tất cả. Thái độ quyết tâm và năng lực dẫn dắt của người lãnh đạo giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí có thể làm chuyển hóa tình hình. Vì sao trong cơn bão số 6 vừa qua, chỉ trong vòng một ngày, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương đã sơ tán được hàng trăm ngàn dân và hướng dẫn tàu thuyền tránh bão an toàn?

 

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trong buổi họp đánh giá tình hình bão số 6, đã so sánh: “Nếu cải cách hành chính của ta cũng thực hiện nghiêm và thông suốt được như phòng chống cơn bão này thì rất tốt”. Nói cụ thể hơn, nhân tố dẫn đến việc phòng chống bão thành công trong trường hợp này chính là vai trò dẫn dắt và thái độ quyết liệt của người lãnh đạo. Cải cách hành chính rõ ràng đang rất cần sự quyết tâm như vậy.

 

Nguồn gốc sâu xa của sự trì trệ trong cải cách hành chính, theo ý kiến một số luật sư, nằm ở trách nhiệm hành chính của cán bộ, công chức đối với người dân mà cho đến nay, vẫn chưa có một quy định rõ ràng nào.

 

Đồng tình với nhận định này, luật gia Ngô Ngọc Bửu cũng cho biết hiện nay theo quy định chỉ cho phép dân kiện cơ quan nhà nước về chín loại quyết định hành chính và hành vi hành chính. Trong khi đó, tại các nước thành viên WTO khác công dân có quyền kiện tất cả các quyết định và hành vi hành chính của cơ quan công quyền, nếu mệnh lệnh hành chính đó gây thiệt hại cho họ.

 

Hậu quả là ở Việt Nam rất nhiều trường hợp khiếu kiện của dân đối với cơ quan công quyền đều có thể bị tòa trả lại đơn kiện với lý do “không thuộc thẩm quyền”. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “huề cả làng” và đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ công chức khiến cho việc cải cách hành chính càng thêm ngưng trệ.

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

 

 

 

.
.
;
.
.