* Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT:
Khai thác các nguồn vốn cho xây dựng cầu, đường mớiTheo kế hoạch 2007, Sở GTVT sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách tập trung thực hiện 28 dự án, chuẩn bị đầu tư 11 DA và chuẩn bị thực hiện 16 DA với tổng vốn ước tính hơn 173 tỷ đồng. Trong đó, tập trung khởi công xây dựng mới các công trình: Đường Hố Nai - Trị An đoạn 2, cầu Chiến khu Đ, các cầu trên ĐT.767; hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình đường liên huyện Trảng Bom - Long Thành (2 đoạn), cầu suối Nước nóng, cầu An Hòa. Ngoài ra tập trung triển khai các dự án tuyến QL1 tránh TP Biên Hòa, đường 319 qua khu công nghiệp Nhơn Trạch, đường 25B huyện Nhơn Trạch, đường song hành xa lộ Hà Nội.
Để có thể đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp sau: Về vốn đầu tư, sẽ huy động mọi nguồn vốn trong xã hội, bao gồm nguồn ngân sách, nguồn WB, ODA, các nguồn vốn BOT, BT... để đầu tư xây dựng. Sở tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra giám sát chủ đầu tư trong quản lý điều hành dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, đấu thầu thi công. Đồng thời tăng cường các biện pháp thực hiện giám sát chuyên ngành, giám sát cộng đồng; xây dựng phương án chống thất thoát trong xây dựng. Sở GTVT cũng kiến nghị các địa phương tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đảm bảo mặt bằng phục vụ thi công. Các cấp thẩm quyền xem xét bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện.
* Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đồng Nai: Phải tăng trưởng vốn huy động và tín dụng trên 20%
Tuy cũng đã giữ được mức độ tăng trưởng theo yêu cầu đặt ra trong năm 2006 nhưng không phải mọi việc trở nên dễ dàng hơn trong năm 2007. Hoạt động ngân hàng hiện nay tín dụng chiếm trên 80%, trong khi ở các nước sản phẩm này thường chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các dịch vụ khác của ngân hàng. Mà sản phẩm tín dụng thì rủi ro lớn hơn các loại sản phẩm dịch vụ khác do các yếu tố về thông tin, doanh nghiệp, con người... Đề cập đến yếu tố con người, tôi muốn nói đến nguồn nhân lực. Ngành ngân hàng hiện nay đang thiếu nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu "hậu WTO". Không nói đâu xa, ngay NHNN tỉnh năm qua có chỉ tiêu tuyển 4 người nhưng cuối cùng chỉ nhận được 1! Các NH thương mại thì còn biến động hơn vì đã thiếu nhân lực cho thời kỳ mới, số cán bộ đang làm ở các NHTM quốc doanh thì bị các NH cổ phần "mời chào"; giờ đến lượt các NHCP lại sợ người của mình bị NH nước ngoài "chào mời"! Do vậy, trong các yếu tố rủi ro, nếu hạn chế được việc "chảy máu nhân lực" cũng có nghĩa là NH hạn chế bớt được rủi ro.
Về hạ tầng kỹ thuật cũng chưa đáp ứng cho việc phát triển các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ví dụ, chỉ một lĩnh vực công nghệ thông tin thôi cũng đã rắc rối khó khăn, vì mỗi nhà cung cấp thực hiện mỗi cách, rất khó cho NH thực hiện các tác nghiệp. Vì vậy, hiện tượng làm việc nửa thủ công, nửa kết nối công nghệ thông tin vẫn còn tồn tại, vừa mất công sức, thời gian, giấy tờ, vừa tạo ra những phiền hà cho khách hàng... Đây thực sự cũng là một hạn chế mà một mình ngành NH không thể làm được, đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong vận hành của nền kinh tế.
Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng khá gay gắt như hiện nay, ngành NH phải chuyển động mạnh hơn nhằm nắm giữ và mở rộng thị phần, phát triển các dịch vụ để phục vụ nền kinh tế tốt hơn. Dĩ nhiên, tự thân mỗi NH cũng phải có một giải pháp hữu hiệu cho bước đi của NH mình trong thế cạnh tranh để phát triển. Năm 2007, mục tiêu mà các NH trên địa bàn Đồng Nai nhắm tới là huy động vốn tăng 20 - 22%, tăng trưởng tín dụng tăng 22 - 24%, doanh số thanh toán qua NH tăng 25 - 30%, dư nợ trung, dài hạn tăng 35 - 38%.
* Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa:
Tập trung triển khai trung tâm hành chính mớiNhiệm vụ trọng tâm về kinh tế trong năm 2007 của TP. Biên Hòa là tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh và các ngành phát triển theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là công nghiệp - thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục trong kêu gọi, thu hút vốn đầu tư. Riêng về xây dựng cơ bản, nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố là công tác bồi thường, đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư để triển khai các dự án lớn của thành phố, nhất là khu trung tâm hành chính mới, cảnh quan dọc hai bên sông Đồng Nai, mở và nâng cấp một số tuyến đường... Để trung tâm hành chính mới có thể triển khai thi công vào đầu năm 2008, trong năm nay, thành phố sẽ tập trung hoàn thành thi thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư và đền bù giải phóng mặt bằng. Sở dĩ việc xây dựng trung tâm hành chính mới của thành phố có hơi chậm so với mong muốn là do các bước thực hiện tái định cư theo quy định mới rất dài về thủ tục, phải đảm bảo đúng luật. Giải pháp của thành phố trong năm mới là rà soát lại cụ thể những khó khăn, vướng mắc của các dự án tái định cư để quan tâm xử ký nhanh, kịp thời, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho việc triển khai dự án. Về nguồn vốn, thành phố sẽ có kiến nghị kịp thời với các sở, ngành của tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho các dự án này. Thành phố cũng sẽ phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất để khai thác quỹ đất ven thành phố; kiến nghị UBND tỉnh cho phép thành phố bán đấu giá quỹ đất, tạo nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng khu trung tâm hành chính mới. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thành phố cương quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, không để xảy ra tệ nạn gây bức xúc trong nhân dân. Một điều rất quan trọng nữa là thực hiện an toàn giao thông, giảm thiệt hại về người do tai nạn giao thông gây ra.
* Bà Lê Thị Như Lan, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Long Khánh: Khai thác lợi thế về địa lý để phát triển mạnh về dịch vụ thương mại
Thị xã Long Khánh có điều kiện thuận lợi là cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Làm thế nào để phát huy hơn nữa lợi thế sẵn có? Chúng tôi đề ra mục tiêu trong năm 2007 là: Đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả khu vực đô thị và nông thôn, khai thác lợi thế về địa lý hành chính để phát triển mạnh dịch vụ thương mại; tạo điều kiện để công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng tốc.
Cụ thể, thị xã khuyến khích đầu tư đa dạng hóa thị trường và các loại hình dịch vụ, ưu tiên phát triển thị trường nông thôn. Chúng tôi chỉ đạo tập trung triển khai dự án nâng cấp chợ Long Khánh, trung tâm thương mại, siêu thị (các dự án đang triển khai); sắp xếp, xây dựng, cải tạo các chợ phường và vùng nông thôn; tổ chức lại chợ trái cây để từng bước tạo dựng thương hiệu trái cây Long Khánh. Thị xã cũng rất quan tâm khuyến khích phát triển các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, tín dụng, dạy nghề, giới thiệu việc làm; chủ động xây dựng và thúc đẩy quan hệ mậu dịch với các thị trường lân cận như Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp địa phương và hàng nông sản. Trên lĩnh vực công nghiệp, tích cực và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; có cơ chế khuyến khích đầu tư thỏa đáng, trong đó ưu tiến chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu gắn với nguyên liệu tại chỗ, chế tạo cơ khí, hàng mộc gia dụng và gia công giày da, may mặc.
* Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Xuân Lộc:
Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụXuân Lộc là huyện miền núi, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế. Do vậy, trong định hướng phát triển năm 2007, chúng tôi tập trung định hình cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ. Để phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa thì phải coi trọng thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, huyện chủ trương khuyến khích kinh tế trang trại; củng cố hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng các câu lạc bộ năng suất cao, câu lạc bộ rau sạch. Để thực hiện các mục tiêu này, huyện sẽ tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các ban chủ nhiệm, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật để các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả.
Trên lĩnh vực công nghiệp, huyện sẽ chủ động phối hợp với các ngành của tỉnh đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đồng thời hoàn chỉnh cơ chế mời gọi đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2007 có 50 - 60% diện tích trong khu công nghiệp được đầu tư. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong năm nay Xuân Lộc tập trung phát huy hiệu quả các cơ sở công nghiệp chế biến gắn với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ tập trung xây dựng mới các chợ, cụm thương mại dịch vụ trung tâm xã. Xuân Lộc có lợi thế cảnh quan thiên nhiên khai thác du lịch, nên huyện cũng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả các khu vui chơi giải trí, du lịch.
K.Loan - P.Vũ - M.Chánh (thực hiện)