Báo Đồng Nai điện tử
En

Bám rẫy lập nghiệp

09:07, 29/07/2018

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2005, chàng trai 23 tuổi Lữ Thành Quỳnh (ngụ tổ 1, ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) quyết định gắn bó với rẫy vườn, bỏ ngoài tai những lời rủ rê của bạn bè lên phố thị làm công nhân.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2005, chàng trai 23 tuổi Lữ Thành Quỳnh (ngụ tổ 1, ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) quyết định gắn bó với rẫy vườn, bỏ ngoài tai những lời rủ rê của bạn bè lên phố thị làm công nhân. Chọn con đường lập nghiệp tại quê nhà, lúc ấy anh Quỳnh suy nghĩ phải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo định hướng của chính quyền địa phương.

Anh Lữ Thành Quỳnh lập nghiệp thành công từ 1 hécta đất cha mẹ cho sau khi xuất ngũ.
Anh Lữ Thành Quỳnh lập nghiệp thành công từ 1 hécta đất cha mẹ cho sau khi xuất ngũ.

Được cha giao cho 1 hécta vườn xoài tạp, anh quyết định phá bỏ toàn bộ số cây xoài già cỗi, kém năng suất để chuyển sang trồng cây có múi như: cam, quýt, bưởi; chỉ giữ lại những cây xoài còn tốt nhằm lấy ngắn nuôi dài. Năm sau, tiền bán xoài đủ để anh trả vốn đầu tư cam, quýt, bưởi. Năm tiếp theo, cam, quýt, bưởi bắt đầu cho trái bói, anh từng bước tỉa thưa xoài để xen thêm cam, quýt, bưởi vào.

Thấy anh Quỳnh chuyển đổi cây trồng đúng định hướng và có hiệu quả, nhiều thanh niên trong xã đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Từ đó, anh được Đoàn Thanh niên xã Phú Lý giao nhiệm vụ tập hợp các thanh niên đang sản xuất nông nghiệp trong xã vào mô hình tổ hợp tác trồng cây chủ lực.

Anh Quỳnh cho biết tổ hợp tác ngày đầu thành lập chỉ có 11 thành viên, nay tăng lên 16 thành viên, trong đó có 3 thành viên là quân nhân xuất ngũ. Hiện tổ hợp tác được Huyện đoàn Vĩnh Cửu, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay được 270 triệu đồng.

Tổ hợp tác của anh Quỳnh ngày càng phát huy hiệu quả. Các thành viên trong tổ ai cũng hào hứng chia sẻ nhau cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng hoặc hỗ trợ nhau khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch. Tổ viên Nguyễn Văn Việt nhận xét anh Quỳnh rất tích cực trong việc hướng dẫn các thành viên trong tổ từ khâu làm đất, chọn giống đến kinh nghiệm bón phân, tưới nước tiết kiệm. Anh Quỳnh còn chủ động liên hệ với ngân hàng, tổ chức Đoàn tìm nguồn vốn vay cho các thành viên đầu tư xản xuất, tìm nơi tiêu thụ nông sản ổn định về giá.

Từ 1 hécta đất vườn xoài tạp ngày đầu được cha giao cho anh quản lý với thu nhập dưới 70 triệu đồng/năm, qua thời gian chuyển đổi cây trồng và cải tạo giống mới, đến nay vườn rẫy của anh Quỳnh đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh Quỳnh cho hay trong 2-3 năm tới, khi các loại cây có múi khép tán thì vườn rẫy của anh dự kiến thu nhập ở mức 500 triệu đồng/năm. Khi đạt được mức thu nhập này, anh mới dám nhận bản thân đã thành công trong quá trình lập nghiệp.

Không chỉ nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng, anh Quỳnh còn được biết đến là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết, tích cực và được Huyện đoàn, Tỉnh đoàn, UBND tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen về các phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi, tạo việc làm, hướng nghiệp cho thanh niên...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều