Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều không đẹp chốn thờ tự

11:02, 25/02/2013

Sau tết, lễ hội đầu năm tại các ngôi chùa, đình lớn, như: chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), chùa Ông (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), chùa Phúc Lâm (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa)… thu hút một lượng khách rất lớn. Lợi dụng lòng tốt của nhiều người, nạn ăn xin, sư giả bủa vây chèo kéo moi tiền du khách, khiến chốn tôn nghiêm lộn xộn.

Sau tết, lễ hội đầu năm tại các ngôi chùa, đình lớn, như: chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), chùa Ông (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), chùa Phúc Lâm (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa)… thu hút một lượng khách rất lớn. Lợi dụng lòng tốt của nhiều người, nạn ăn xin, sư giả bủa vây chèo kéo moi tiền du khách, khiến chốn tôn nghiêm lộn xộn.

Người ăn xin nằm vạ vật rất nguy hiểm, cạnh đó là các điểm giữ xe tự phát, công khai ghi giá vé cao lên bảng hiệu.
Người ăn xin nằm vạ vật rất nguy hiểm, cạnh đó là các điểm giữ xe tự phát, công khai ghi giá vé cao lên bảng hiệu.

Ăn xin, sư giả bát nháo

Tại chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), sau ngày khai hội (19-2), hàng ngàn du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về đây lễ bái cầu an. Từ sáng sớm, người ăn xin chầu chực dọc đường đi đến tận cổng chùa. Đáng nói, những người ăn xin này lại tập hợp, xếp thành một hàng dài hơn 15 người, nối đuôi nhau xin tiền người dân qua lại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người ăn xin ở đây đủ mọi lứa tuổi, trong đó có rất nhiều người lớn giả đau ốm, một số trẻ em bị xúi giục, thậm chí có những người còn trẻ khỏe vẫn ôm con đến đây cầu xin bố thí.

Nhiều người ăn xin ngồi trước cổng chùa ông (TP.Biên Hòa).
Nhiều người ăn xin ngồi trước cổng chùa ông (TP.Biên Hòa).

Mỗi người đều khoác vẻ thê lương nhưng đôi mắt lúc nào cũng nhìn dáo dác xung quanh, hễ có khách đi chùa rút ví, cả chục người ăn xin xúm lại giơ nón lên khua khua, luôn miệng cầu xin, năn nỉ. Với dụng cụ hành nghề, gồm: nón, ca múc nước, thêm bộ quần áo rách rưới, từ người bình thường cũng có thể thành kẻ ăn xin chuyên nghiệp.

Trước cổng chùa Phúc Lâm (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Hoàng Ân (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)…, đêm giao thừa, tình trạng người ăn xin nằm ngồi la liệt, tạo nên những khung cảnh nhếch nhác rất phản cảm, khiến nhiều du khách viếng chùa khó chịu.

Sáng 22-2, ngày cuối cùng của lễ hội chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến một người đàn ông đầu cạo trọc, mặc trang phục nhà tu hành đeo túi vải lớn bên hông, trên tay cầm nhiều tập giấy ghi cung mệnh, cách giải hạn, lá bài tử vi… đứng ngay đường ra vào trước cửa chùa. Điều đáng nói, “nhà sư” này luôn chèo kéo, mời mọc người qua lại xem tướng số. Do không biết ông này là sư giả, rất nhiều người đã tin lời vị “sư” xem bói. Sau khi thao thao bất tuyệt xong, người này tiếp tục gợi ý người xem bói mua lá bài giải hạn, hay giấy bói cung mệnh với giá từ 5-10 ngàn đồng/tờ.

Cứ thế, khi thấy xấp giấy trên tay đã vơi, “nhà sư” liền lấy thêm vài cuộn nữa từ trong túi vải lớn ra. Thỉnh thoảng, ông này đếm đi, đếm lại xem thử đã bán được bao nhiêu. Trong thời gian “hành nghề” tại đây, lúc nào cũng có rất nhiều người đến nhờ ông này xem bói, giải hạn vì tin vào “mác” của bậc tu hành. Để lấy lòng tin của các du khách, cứ mỗi lần gặp người nào, ông ta luôn miệng đọc câu “Nam mô A di đà phật…”. Nhưng khi đang ngồi dưới bậc thềm gốc cây đa, phát hiện chúng tôi cầm máy ảnh hướng về phía mình, ông này đứng dậy che mặt, rồi khua tay nói: “Chụp làm gì vậy, xóa đi, không đừng trách đó”. 15 phút sau, “nhà sư” này rời khỏi khu vực cửa chùa, nhiều vị khách có mặt tại đấy chưng hửng vì biết mình bị lừa.

Quan sát dọc theo đường dẫn vào chùa, chúng tôi thấy khoảng 3-5 người chuyên đi theo khách viếng chùa mời mua vé số rồi thầm thì vào tai khách những câu chào mời xem bói.

… Moi tiền du khách

Nhiều gia đình tổ chức đi chùa cầu may mắn, bình an đầu năm nhưng thực tế những gì diễn ra khiến không ít người phiền lòng. Bãi giữ xe tự phát, kẻ bán các con vật phóng sinh, hương hoa, lồng đèn… lấy giá “trên trời” là những mánh khóe mà nhiều nơi dùng để moi tiền du khách.

Tại lễ hội chùa Ông (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch), du khách phải trả phí giữ xe gấp 4-5 lần so với mức giá in trên vé do cơ quan Nhà nước ban hành. Xung quanh khu vực này, có đến hàng chục điểm trông giữ xe tự phát, từ lề đường đến sân nhà đều được người dân tận dụng làm ăn. Khi thấy khách tới, họ cho người đứng đón ngay từ xa, luôn miệng nói “gửi xe đi chùa, giá 2 ngàn đồng/chiếc”. Ai nấy đều yên tâm, nhưng đến lúc ra về, giá vé cao ngất. Nhiều người thắc mắc thì nhà xe buông lời: “Thu theo giá Nhà nước để chết đói hả? Mỗi năm chỉ có một lần, không lấy giá đó sao sống được”!

Một ngày có rất nhiều lượt xe ra vào và như vậy, số tiền thu về từ dịch vụ trông giữ xe khá lớn. Một số nơi còn công khai in giá vé vượt mức cho phép ngay trên bảng hiệu. Một người giữ xe tại khu vực này tiết lộ: “Dẫu biết giá trông giữ xe rất cao nhưng khách không có sự lựa chọn, vì chỉ có bãi giữ xe tự phát là duy nhất. Do đó, mình cứ thế đặt ra mức giá trông giữ xe riêng”.

Bên cạnh đó, du khách viếng chùa còn bị làm phiền bởi dịch vụ bán vật phóng sinh. Rất nhiều người đã phải bỏ ra 50 ngàn đồng để mua bịch cá cảnh, 5 ngàn đồng/con chim sẻ mới được yên ổn vào viếng chùa. Từ chỗ gửi xe bước ra được vài bước, chúng tôi bị một phụ nữ giả nam cản lối bằng bịch cá cảnh. Thấy chúng tôi từ chối, người này chuyển giọng: “Mua vật phóng sinh để được may mắn, bình an suốt cả năm, nếu không vận xui sẽ bám đuôi quý vị mãi mãi”. Thực hư thế nào không hay, nhưng nhiều người đã mắc “lừa” lực lượng chèo kéo, yêu cầu khách mua vật phóng sinh. Khi khách phóng sinh xong, họ đòi cả trăm ngàn đồng. 

Quanh đó, nhiều người bán nhang đèn, muối gạo…, cũng chặn đường nhiều du khách đang tiến vào chùa.

Khách đến viếng chùa cho biết, nhiều kẻ giở đủ mánh khóe để moi tiền du khách cho bằng được mới chịu buông tha. Tình trạng này xưa nay vẫn diễn ra như vậy, nhưng lực lượng bảo vệ thực sự bất lực khi chưa đủ quyền hạn xử lý. Hễ bị xua đuổi, lượng người ăn xin, nhiều kẻ gây mất trật tự lại tìm cách để chen lấn vào sâu hơn. Từ chèo kéo của những người bán hàng dạo, ăn xin, lập điểm giữ xe tự phát đến lén lút buôn thánh bán thần, truyền bá mê tin dị đoan ở các đình, chùa mỗi dịp lễ hội dường như ngày càng thêm phức tạp.

Võ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều