Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa phát lại hoạt động trong quý I-2014

09:03, 06/03/2014

Thừa phát lại là một trong những hoạt động xã hội hóa một số công việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Sau TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai là địa phương tiếp theo thực hiện chế định này trong việc thi hành án dân sự.

Thừa phát lại là một trong những hoạt động xã hội hóa một số công việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Sau TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai là địa phương tiếp theo thực hiện chế định này trong việc thi hành án dân sự.

Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại tại Đồng Nai.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại tại Đồng Nai.

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho hoạt động thừa phát lại đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện suôn sẻ và nghiêm túc.

* Thủ tục đã hoàn tất

Trên cơ sở Nghị quyết 36/2012 ngày 23-11-2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại và các nghị định của Chính phủ về việc tổ chức hoạt động thừa phát lại, quyết định của Bộ Tư pháp phê duyệt đề án “Thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Đồng Nai”, Sở Tư pháp đã triển khai các nội dung liên quan đến công tác tổ chức hoạt động thừa phát lại.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Văn Châu cho biết, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, vào cuối năm 2013, UBDN tỉnh đã ban hành Quyết định số 3921/QĐ-UBND về việc thành lập và tiến hành họp Hội đồng tư vấn xét tuyển hồ sơ bổ nhiệm thừa phát lại. Hiện Sở Tư pháp đã trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm 11 thừa phát lại ở Đồng Nai. Sở cũng tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại tại các địa phương của tỉnh.

Theo đó, Đồng Nai sẽ thành lập từ 4-5 văn phòng thừa phát lại tại các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. “Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho hoạt động thừa phát lại tại Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất” - ông Phan Văn Châu cho biết.

* Chỉ chờ ngày hoạt động

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai trong quý I-2014. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch phân công cụ thể đến từng sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo quy định hiện nay, chế định thừa phát lại được thực hiện 4 nhóm công việc chính, gồm: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chế định thừa phát lại trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân phải được triển khai với nội dung và hình thức phù hợp. Các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tập trung để thông tin, tuyên truyền và phổ biến chuyên đề về chế định thừa phát lại cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Các đơn vị còn phải tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến pháp luật về thừa phát lại; trực tiếp giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu và cung cấp thông tin về thừa phát lại khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Để làm tốt các công tác nêu trên, trước hết phải tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề cho các thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ thừa phát lại.

Danh Trường

 

 

 

 

Tin xem nhiều