Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem tai nạn gây ùn tắc, thói quen xấu cần sửa đổi

08:06, 23/06/2014

Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, đã và đang tồn tại một thói quen xấu của bộ phận không nhỏ người dân tham gia giao thông, đó là hiếu kỳ dừng lại xem mỗi khi có tai nạn hay sự cố xảy ra trên đường.

Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, đã và đang tồn tại một thói quen xấu của bộ phận không nhỏ người dân tham gia giao thông, đó là hiếu kỳ dừng lại xem mỗi khi có tai nạn hay sự cố xảy ra trên đường.

Đây là vấn đề tưởng nhỏ, nhưng lại góp phần không nhỏ dẫn đến các vụ ùn tắc giao thông tức thời, cục bộ và kéo dài trong những thành phố lớn, mà Đồng Nai đã và đang phải gánh chịu.

* Hiếu kỳ mọi lúc,  mọi nơi

Không phải toàn bộ, nhưng trên nhiều tuyến đường ở Đồng Nai, cứ mỗi khi có vụ tai nạn xảy ra thì dường như ngay lập tức sẽ có nhiều người người đi đường sẽ dừng lại xem. Vấn đề là họ đứng xem tai nạn rất tùy tiện: xe máy, xe đạp thì dừng lại giữa đường, gần nơi tai nạn, va chạm xảy ra và… dán mắt vào xem, không biết trời đất gì. Vậy là tắc đường, tắc vì lý do rất lãng xẹt là thỏa mãn sự hiếu kỳ. Nhất là vào giờ đi làm, giờ tan tầm, chỉ cần 3-4 chiếc xe máy dừng lại giữa đường để xem tai nạn xảy ra thì đã chặn hết một nửa chiều ngang của mặt đường và tất nhiên xe ô tô vì vậy không thể đi qua được. Đây là diễn biến chính của hầu hết các vụ ùn tắc giao thông sau tai nạn. Khi có vụ tai nạn xảy ra, mặt đường đã bị chặn mất một đoạn, số lượng người dừng xe lại xem tai nạn đông sẽ làm đoạn đường bị đám đông chặn lại gây ùn tắc nhiều hơn nữa.

Đám đông hiếu kỳ vây quanh hiện trường vụ tai nạn gây cản trở giao thông trên quốc lộ 51 (đoạn thuộc phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vào tháng 1-2014.
Đám đông hiếu kỳ vây quanh hiện trường vụ tai nạn gây cản trở giao thông trên quốc lộ 51 (đoạn thuộc phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vào tháng 1-2014.

Hệ quả từ những vụ ùn tắc sau tai nạn giao thông không hề nhỏ. Với những đường phố hẹp thì dù có sự tham gia của cảnh sát giao thông, ùn tắc vẫn rất khó được giải tỏa. Tôi đã từng mắc kẹt suốt gần một giờ tại khu vực ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) mà không thể di chuyển vì lý do tắc đường sau một vụ va chạm giao thông nhỏ. Chỉ vì sự hiếu kỳ của người dân mà dòng xe cộ lưu thông bị bịt kín dẫn đến vụ ùn tắc nghiêm trọng đó.

Trong một số trường hợp, đám đông tụ tập xem tai nạn lại trở thành nạn nhân. Nhiều người dân chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng ở thị trấn Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) ngày 27-8-2013 đã không khỏi đau xót khi xe tải đâm vào đám đông đứng xem một vụ tai nạn giao thông trên đường, làm 2 người chết và 7 người bị thương nặng. Từng ấy mạng sống và thương tật là cái giá quá đắt phải trả cho sự hiếu kỳ.

Lý giải cho thực trạng ùn tắc sau tai nạn do sự hiếu kỳ của người dân không gì khác vẫn là vấn đề ý thức. Nhưng sự thiếu ý thức này không phải mới hình thành, mà đã xảy ra rất lâu rồi, một phần do thói quen và cách sống đã ăn khá sâu vào tiềm thức của họ. Trong số đó, phần lớn người hiếu kỳ đều biết việc dừng lại trên đường để xem tai nạn là không tốt, có thể gây tắc đường, nhưng họ vẫn cứ xem. Họ xem không chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ mà còn là một thói quen, một phản xạ vô điều kiện.

Hỏi một số người khi đứng xem va chạm hay tai nạn giao thông trên đường thì tất cả họ đều thừa nhận đó là hành động không nên làm, nhưng ý nghĩ “xem chút thôi mà” đã che lấp ý thức an toàn giao thông trong họ.

Việc tụ tập, dừng lại trên đường để xem tai nạn gây ùn tắc giao thông là một thực tế đáng báo động hiện nay và hiện trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để tận gốc.

* Tăng cường tuyên truyền và phản ứng nhanh

Cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại do ý thức người tham gia giao thông, việc loại bỏ hoàn toàn sự hiếu kỳ của người dân khi tai nạn xảy ra là rất khó. Tuy nhiên, nếu áp dụng quyết liệt những biện pháp răn đe mạnh kết hợp với tuyên truyền, giáo dục thì nguy cơ ùn tắc giao thông do người đi đường tụ tập xem tai nạn sẽ được giảm thiểu. Một lực lượng có thể tận dụng để loại trừ, giảm bớt nguy cơ ùn tắc sau tai nạn giao thông chính là người dân trên địa bàn xảy ra ùn tắc.

Ban tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn II là ngày 31-8-2014.

Thực tế cho thấy, nếu một vụ tai nạn hay va chạm giao thông xảy ra mà có người lập tức phong tỏa hiện trường, đưa người bị nạn đi cấp cứu và ngăn không cho người đi đường dừng lại xem thì ùn tắc sẽ không xảy ra. Khi cảnh sát giao thông đến nơi, họ cũng đỡ vất vả hơn trong việc phân luồng xe, giải tỏa đám đông hiếu kỳ.

Dùng hệ thống loa kêu gọi người dân giải tỏa khi có tai nạn giao thông xảy ra cũng là cách làm cần nghiên cứu. Kinh nghiệm tại nhiều tuyến phố, nhất là giờ cao điểm, lực lượng tại chỗ của người dân, chủ yếu là tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… đã trợ giúp đắc lực cho cảnh sát giao thông khi có tai nạn xảy ra, đây là điều đáng mừng và cần phải phát huy.

Song song với các giải pháp trên, các ngành, các cấp ở Đồng Nai cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về hậu quả của việc tụ tập xem tai nạn giao thông. Đây là công việc khó vì thói quen của người dân chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều. Một số đối tượng thiếu ý thức cũng biết rằng, tuy pháp luật có quy định xử phạt người cố tình gây ùn tắc giao thông, nhưng thực tế rất ít người bị phạt vì hành động này, mà chỉ bị nhắc nhở nên các đối tượng đó càng không sợ. Với bộ phận này, cần phạt nặng để răn đe và kết hợp với giáo dục tại nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc thì mới hy vọng thay đổi được suy nghĩ của họ.

Đinh Thành Trung

(Ban Kinh tế Trung ương, Hà Nội)

Tin xem nhiều