Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bệnh" khó chữa ở đường thủy

09:07, 21/07/2014

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản đi trên đường thủy nội địa, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (vạch an toàn); người đi đò, phà phải mặc áo phao. Nhưng trong mùa mưa bão này, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn xảy ra trên sông Đồng Nai.

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản đi trên đường thủy nội địa, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (vạch an toàn); người đi đò, phà phải mặc áo phao. Nhưng trong mùa mưa bão này, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn xảy ra trên sông Đồng Nai.

Hàng ngày, người dân ở 2 bên bờ sông Đồng Nai đều thấy những chiếc sà lan, ghe tải lớn chở đầy vật liệu xây dựng xuôi ngược trên sông. Hầu như các sà lan đều chở quá vạch an toàn, còn ghe tải chở khẳm đến nỗi 2 hình con mắt ở mũi ghe trên cao cũng bị kéo xuống gần mặt sông. Ghe chở hàng từ vài chục đến trên trăm tấn, sà lan chở từ vài trăm đến trên ngàn tấn, nếu gặp sóng to gió lớn rất dễ bị chìm, gây cản trở dòng chảy. Các phương tiện này nếu bị trôi va vào thành cầu, công trình giao thông khác, sẽ gây tác hại nặng vì lực quán tính lớn do chở quá tải (đêm 30-4, một sà lan không tải đã đụng hư thành cầu Hóa An cũ, thiệt hại hàng tỷ đồng).

* Kiểm tra lòi ra sai phạm

Chủ đề năm An toàn giao thông (ATGT) 2014 trên đường thủy là “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải, không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, không chở quá số người được (quy định) chở trên phương tiện”. Tuy nhiên, đợt phối hợp kiểm tra đường thủy liên ngành của tỉnh (Đăng kiểm thủy - cảnh sát đường thủy - thanh tra giao thông) mới đây đã ghi nhận tình hình phương tiện thủy chở quá vạch an toàn xảy ra khoảng 60% trong các đợt kiểm tra ngẫu nhiên. Điều đáng nói, các phương tiện chở quá tải khi bị kiểm tra đều không có đủ giấy tờ theo quy định, như: giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy kiểm định), bằng thuyền trưởng, máy trưởng…

Một sà lan chở quá vạch an toàn chạy ngang khu vực Văn phòng Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III (góc trái ảnh) vào ngày 3-7-2014. Ảnh: T.Toàn
Một sà lan chở quá vạch an toàn chạy ngang khu vực Văn phòng Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III (góc trái ảnh) vào ngày 3-7-2014. Ảnh: T.Toàn

Những người đi trên phương tiện thủy này cho biết, một số giấy tờ đã bị cơ quan chức năng kiểm tra trước đó thu giữ do vi phạm (chở quá vạch an toàn…). Có người còn cho biết, trong một chuyến hành trình bị lập biên bản vi phạm 2-3 lần. Điều này cho thấy, tình trạng chở quá vạch an toàn của các phương tiện thủy xảy ra thường xuyên, diễn ra trong thời gian dài.

Một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, đáng sợ nhất là tình trạng người điều khiển phương tiện tải trọng lớn không có bằng thuyền trưởng, người phụ trách kỹ thuật không có bằng máy trưởng. Nếu xảy ra sự cố, những người chưa qua đào tạo này khó xoay trở, điều hành phương tiện theo quy định để đối phó với tình huống xảy ra, có thể gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, tình trạng bố trí thuyền viên thiếu số lượng so với quy định (do chủ phương tiện tiết kiệm chi phí) cũng cần quan tâm đến. Trong trường hợp xảy ra sự cố, phương tiện sẽ thiếu những thuyền viên đã qua đào tạo để xử lý bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại.

Đối với phương tiện chở người, tình trạng người đi đò, phà không mặc áo phao theo quy định xảy ra khá phổ biến. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, nhiều lái đò, phà khi phát hiện ca nô tuần tra của cảnh sát đường thủy, thanh tra giao thông đường thủy từ xa (nghe tiếng máy, hình dáng ca nô đặc chủng) mới cấp áo phao, đưa dụng cụ nổi cho hành khách. Còn bình thường, các phương tiện này vẫn vô tư rời bến dù hành khách không được trang bị áo phao, dụng cụ nổi theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã ghi nhận, việc chấp hành quy định về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải khách ngang sông của các bến đò và chủ phương tiện (từ TP.Biên Hòa đến các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú) chưa được chấp hành nghiêm túc.

* Biện pháp an toàn

Việc chở vật liệu xây dựng quá vạch an toàn của các phương tiện thủy nội địa không phải là vấn đề mới. Các vi phạm này diễn ra thường xuyên và các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông đều biết, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm. Lý do lực lượng chức năng thường đưa ra là: mức xử phạt trên đường thủy chưa đủ mạnh; trang bị cho lực lượng xử lý (như: phương tiện hạ tải, cảng, bến để tạm giữ phương tiện vi phạm…) chưa có, nên không xử lý được triệt để các trường hợp vi phạm. Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến đề xuất nên kiểm soát tải trọng ngay tại đầu mối (xử lý ngay tại bến, cảng); nếu phương tiện xuống hàng hóa quá vạch an toàn, lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa quản lý tại bến, cảng thủy nội địa kiên quyết không cho phương tiện này xuất bến.

Áo phao thường được chủ đò, phà cất kỹ, gây bất tiện cho hành khách muốn sử dụng khi lưu thông trên đò, phà.
Áo phao thường được chủ đò, phà cất kỹ, gây bất tiện cho hành khách muốn sử dụng khi lưu thông trên đò, phà.

Trên sông Đồng Nai hiện có văn phòng đại diện của Cảng vụ Đường thủy khu vực III, nằm ở bờ sông phía xã Hóa An (TP.Biên Hòa), rất gần các bến, bãi vật liệu xây dựng. Nhưng qua quan sát thực tế nhiều ngày, phóng viên ghi nhận tình trạng các phương tiện chở quá vạch an toàn vẫn ung dung đi ngang văn phòng cảng vụ này. Nếu thực hiện kiểm tra tải trọng ngay tại bến được thực hiện nghiêm túc, có lẽ việc trang bị phương tiện hạ tải, bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm sẽ không cần thiết.

Được biết, ở Đồng Nai còn có cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai. Nếu các bến bãi trên sông Đồng Nai được giao cho cảng vụ địa phương quản lý (giống như Cảnh sát đường thủy Đồng Nai, Thanh tra giao thông đường thủy Đồng Nai quản lý trên sông này), thì việc phối hợp của các lực lượng chức năng cùng địa phương để xử lý vi phạm tải trọng ngay tại bến sẽ được nhiều thuận lợi và kịp thời hơn.

Trên lĩnh vực vận tải khách, để thuận lợi cho hành khách mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi thì các chủ phương tiện cần thiết kế chỗ treo móc áo phao, dụng cụ nổi ngay tầm tay của khách khi xuống đò, phà. Được như vậy, không cần đợi chủ phương tiện, thuyền viên cấp, người đi đò cũng có thể tự trang bị an toàn cho mình.

Bên cạnh đó, các phương tiện thủy cần được thiết kế theo kiểu sử dụng tối đa các vật liệu nổi làm trang bị, kết cấu… Khi chẳng may xảy ra sự cố, các trang bị, kết cấu này trở thành dụng cụ nổi, phao dự phòng giúp hành khách có thêm phương tiện cứu sinh.

Thanh Toàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều