Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết liệt tấn công, trấn áp các băng nhóm tội phạm

09:07, 24/07/2014

Ngày 22-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm Chính phủ (gọi tắt Ban Chỉ đạo 138/CP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2014.

Ngày 22-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm Chính phủ (gọi tắt Ban Chỉ đạo 138/CP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm 6 tháng đầu năm 2014. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP, nhấn mạnh phải tổ chức các đợt cao điểm tấn công quyết liệt, triệt phá các băng nhóm “xã hội đen”, kiên quyết xóa bỏ tình trạng bao che, “bảo kê” tội phạm.

Một sòng bạc do các đối tượng giang hồ cộm cán tổ chức tại trụ sở một công ty ở phường Long Bình bị Công an TP.Biên Hòa triệt phá ngày 12-3. (Ảnh minh họa)
Một sòng bạc do các đối tượng giang hồ cộm cán tổ chức tại trụ sở một công ty ở phường Long Bình bị Công an TP.Biên Hòa triệt phá ngày 12-3. (Ảnh minh họa)

Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tội phạm xâm phạm về trật tự an toàn xã hội đang có diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra hơn 29 ngàn vụ phạm pháp hình sự, nguyên nhân chủ yếu do tội phạm trộm cắp gia tăng.

* Băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh trở lại

Trong đó, tội phạm có tổ chức dù không còn hoạt động công khai như trước, nhưng tại các thành phố lớn vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu núp dưới vỏ bọc các doanh nghiệp để đi đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản… Xu hướng hoạt động của các băng nhóm tội phạm hiện đang ngày càng trở nên manh động, liều lĩnh. Nhiều vụ thanh toán, giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau khi lợi ích kinh tế bị xâm phạm cũng ngày một gia tăng, gây bất ổn an ninh trật tự, bức xúc dư luận xã hội.

Trên địa bàn cả nước, băng nhóm tội phạm liên tỉnh, liên biên giới càng ngày càng diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, 615 băng nhóm tội phạm “xã hội đen” chưa được triệt phá, trong đó 161 băng nhóm nguy hiểm đang là vấn đề nhức nhối mà cơ quan công an đang phải tìm cách triệt phá.

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, các băng nhóm “xã hội đen” ở địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai với các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh đang có xu hướng hoạt động mạnh trở lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Công an Đồng Nai đã phát hiện 45 nhóm, với 219 đối tượng nghi vấn phạm tội. Cơ quan công an đã đấu tranh triệt phá 36 nhóm, số còn lại đang tiếp tục điều tra, triệt phá. Công an cũng đã bắt, vận động 136 đối tượng truy nã, trong đó có 29 đối tượng đặc biệt nguy hiểm, 26 đối tượng bắt được do tỉnh khác ra quyết định truy nã.

* Bảo vệ sự bình yên cho dân

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; tập trung nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những loại tội phạm mới, đấu tranh quyết liệt với các băng, ổ, nhóm tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. “Để xảy ra tình trạng các băng nhóm tội phạm hoạt động dẫn tới đe dọa cuộc sống của người dân có phải do tình trạng nể nang, bao che của cán bộ với đối tượng phạm tội hay không?” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Công an nhận định: “Tội phạm về kinh tế, tham nhũng tiếp tục xảy ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Số vụ bị phát hiện tăng gần 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài, tiềm ẩn phức tạp gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý; một số vụ do phía nước ngoài phát hiện trước. Tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đầu tư của nước ngoài (đặc biệt vốn ODA) bộc lộ nhiều bất cập, sơ hở trong quản lý, đấu thầu…, để tội phạm lợi dụng tham nhũng, gây ảnh hưởng lớn uy tín của Việt Nam”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn lưu ý, công tác nắm bắt thông tin, xử lý các vụ gây rối an ninh trật tự xã hội hiện còn bị động, lúng túng và chưa kịp thời, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này mà chậm xử lý, người đứng đầu địa phương, lãnh đạo ngành đó phải chịu trách nhiệm.

“Trong thời gian tới, ngành công an cần mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đấu tranh triệt phá các băng, ổ, nhóm tội phạm, không để tình trạng có băng nhóm “xã hội đen” lộng hành, gây bức xúc cho nhân dân. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các loại tội phạm, nhất là những vụ án lớn được dư luận quan tâm” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều