Báo Đồng Nai điện tử
En

Ma men chịu tội!

10:08, 29/08/2014

Giá như bị cáo Nguyễn Trường An (36 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) đừng ham mê nhậu nhẹt mà biết chí thú làm ăn để lo cho vợ con, thì bị cáo đã không phải ngồi tù 20 năm, không bỏ lại con thơ cùng người mẹ già chẳng nơi nương tựa.

Giá như bị cáo Nguyễn Trường An (36 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) đừng ham mê nhậu nhẹt mà biết chí thú làm ăn để lo cho vợ con, thì bị cáo đã không phải ngồi tù 20 năm, không bỏ lại con thơ cùng người mẹ già chẳng nơi nương tựa.

* Giết bạn nhậu

Phiên tòa được xét xử lưu động tại nơi gia đình An sinh sống, nhưng trong số hàng trăm người tham dự phiên tòa hôm ấy, chẳng có người thân nào của bị cáo. Ngơ ngẩn trước tòa, bị cáo An như người mất thần trí, chỉ mấp máy môi như không nói thành lời. Mỗi câu hỏi của tòa đều khiến bị cáo giật mình rồi “dạ, thưa” cho qua.

Bị cáo Nguyễn Trường An được công an đưa ra xe về trại giam.
Bị cáo Nguyễn Trường An được công an đưa ra xe về trại giam.

Theo lời khai của bị cáo và các nhân chứng, trưa 15-9-2013, An và các anh: Cao Văn Minh, Trương Văn Hòa, Nguyễn Văn Lượm rủ nhau đến một ngôi miễu ở ấp 3, xã An Phước uống rượu. Sau khi uống khoảng 4 lít rượu, mọi người trong bàn đều nửa tỉnh nửa say nói đủ thứ chuyện. Trong lúc đang say sưa nói chuyện, An vung tay trúng mặt anh Minh khiến 2 bên cãi vã và đánh nhau. Anh Hòa can ngăn đánh nhau thì bị An dùng dao đâm một nhát vào lưng (gây thương tật tỷ lệ 12%) rồi bỏ đi. Bị anh Minh đuổi theo đánh vào đầu (không gây thương tích), An liền lấy dao đâm anh Minh một nhát trúng ngực dẫn đến tử vong.

Vốn là bạn nhậu thân thiết với nhau, nhà cách nhau cũng không xa nên bị hại và bị cáo vẫn thường nhậu chung. Chỉ cần có chút mồi ngon, cả hai lại rủ nhau làm lai rai vài ly rượu. Đã nhiều lần, trong lúc uống rượu An gây sự, nhưng 2 bên nói dăm câu qua lại rồi nhà ai người ấy về. Nhưng lần này, sự trỗi dậy của “ma men” đã khiến An cầm dao giết bạn nhậu để rồi phải ăn năn. Nhưng quá muộn để An nói lời xin lỗi và quá trễ để bị cáo nhận ra sự sa đà của mình trong những cuộc nhậu.

* Để trẻ mồ côi

Chẳng biết giả vờ hay run sợ thật, nhưng tại phiên tòa An trở nên ngớ ngẩn lạ thường. Mỗi lần hỏi bị cáo về sự việc, Hội đồng xét xử phải gọi lớn 3-4 lần: “An, bị cáo An” thì bị cáo mới “nhớ ra” mình đang đứng trước vành móng ngựa.

Bị cáo An vốn làm phụ hồ, đồng lương kiếm được chẳng được là bao. Nhưng thay vì tích góp những đồng lương ít ỏi làm ra cực khổ để lo cho vợ con, An lại dùng nó nhậu nhẹt say xỉn. Chung sống với nhau được 3 con nhưng vì không chịu nổi tính mê nhậu của chồng, vợ An đã bỏ lại con thơ để tìm chân trời mới cho mình. Ôm 3 đứa con nhỏ chẳng biết làm sao, An đành gửi hết cho nội, ngoại 2 bên lo để bản thân được thảnh thơi. Từ đó, 3 đứa con của An như trẻ mồ côi cha mẹ, chỉ được ấp ủ bằng tình thương của ông bà.

Sau khi vợ bỏ đi, phó thác con cái cho ông bà 2 bên, An lại dửng dưng tìm “bến mới” để chung sống như vợ chồng. Khi nghe tòa hỏi: “Hiện người vợ thứ hai của bị cáo còn sống với bị cáo không?”, bị cáo An cúi gằm mặt xuống mà nói: “Nghe bị cáo giết người, cô ấy đã bỏ bị cáo đi rồi”.

Gia đình bị hại chẳng khá hơn, đến nay con anh Minh đứa chỉ 10 tuổi, đứa mới 5 tuổi. Nhìn chị Nguyễn Kiều Ngân (vợ anh Minh) khóc nức nở tại phiên tòa ai cũng xót xa. 2 đứa con nhỏ vô tư cười đùa ngoài sân hội trường xét xử, còn chị Ngân nước mắt ngắn dài than thở chuyện tương lai. Dù đòi bị cáo An bồi thường các khoản chi phí để nuôi con, nhưng chị biết bị cáo chẳng có gì để trả. Ngay cả khi chưa phạm tội, An còn chẳng có đồng nào để nuôi 3 đứa con của bị cáo, nói gì đến chuyện phải chờ 20 năm sau khi An ra tù mới làm trả nợ là chuyện quá xa vời.

Phiên tòa kết thúc, mọi người lần lượt bước ra về mà rỉ tai nhau rằng: “Cũng vì nhậu nhẹt, vì rượu hết đó; chẳng ích gì, lại còn sinh chuyện”. Riêng bị cáo An bước lên xe chở phạm nhân mà ngậm ngùi chẳng thấy bóng dáng một người thân.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều