Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ nổ súng ở Trạm Suối Tre: Tòa đề nghị điều tra về tội giết người

08:08, 28/08/2014

Tại phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Văn Vinh, nguyên cán bộ Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (gọi tắt Trạm Suối Tre, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ -  đường sắt (PC67) Công an tỉnh) bắn chết đồng nghiệp, ngày 26-8 Tòa án nhân dân tỉnh đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh điều tra bổ sung theo hướng bị cáo Vinh phạm tội giết người.

Bị cáo Ngô Văn Vinh tại phiên tòa.
Bị cáo Ngô Văn Vinh tại phiên tòa.

Tại phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Văn Vinh, nguyên cán bộ Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (gọi tắt Trạm Suối Tre, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ -  đường sắt (PC67) Công an tỉnh) bắn chết đồng nghiệp, ngày 26-8 Tòa án nhân dân tỉnh đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh điều tra bổ sung theo hướng bị cáo Vinh phạm tội giết người.

Gần một năm trôi qua, nhưng vụ án mạng xảy ra tại Trạm Suối Tre vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, chưa đến giờ xét xử nhưng sân tòa đã đông đúc người và trong hội trường cũng trở nên chật cứng.

* Lời khai bất nhất

Công tác trong ngành công an gần 20 năm, đáng ra Vinh phải nắm vững mọi quy định của ngành, nhưng vì phút nóng giận và sai sót của bản thân, nay bị cáo phải lãnh hậu quả đáng tiếc.

Theo cáo trạng, trong lúc nhậu cùng đồng nghiệp, vì xích mích với Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó trưởng Trạm Suối Tre), Vinh đã dùng súng bắn chết cấp trên và làm bị thương một đồng nghiệp khác (Đại úy Đoàn Thanh Phú, bị thương tật tỷ lệ 15%), bản thân Vinh cũng bị đánh gây thương tật tỷ lệ 40%.

Diễn biến phiên tòa dường như nằm ngoài mong đợi của bị cáo Vinh, bởi tất cả lời khai của nhân chứng đều chống lại lời khai của bị cáo. Trước tòa, Vinh khai sau mâu thuẫn tại quán karaoke Hân Linh (TX.Long Khánh), bị cáo đã về Trạm Suối Tre nghỉ ngơi và dự định sẽ đi giải thích với Thiếu tá Sơn chuyện bị Trương Thành Chí (bạn nhậu chung với Thiếu tá Sơn) đánh, đồng thời lên tiếng xin lỗi nếu anh Sơn tức giận.

Tuy nhiên, nhân chứng Trương Học Lâm, tài xế riêng của Thiếu tá Sơn, lại khai: “Vinh cầm súng chĩa vào người tôi, buộc tôi phải gọi điện bảo anh Sơn về gấp. Do tôi gọi điện không được, Vinh quay về phòng. Sau đó, tôi gọi điện cho anh Nguyễn Thái Phong (người đi nhậu cùng anh Sơn) nói đừng cho anh Sơn về cơ quan, vì Vinh đang xách súng tìm bắn anh Sơn”.

Tại tòa, hầu hết nhân chứng đều khai, khi Vinh và anh Sơn giằng co chỉ có 2 người với nhau, không thấy ai nhảy vào đánh Vinh. Trong khi Vinh một mực khẳng định: “Thấy anh Sơn đánh bị cáo, bạn của anh Sơn cũng hùa đánh hội đồng bị cáo khiến bị cáo phải ôm đầu và mặt để tránh thương tích. Vừa lúc đó, bị cáo vơ được khẩu súng để dưới gối nên đã bắn chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng những người kia vẫn không ngừng đánh bị cáo”.

Bị cáo Vinh khai mình không bắn anh Sơn, mà có người khác bóp cò, bởi khi Vinh đang trong trạng thái mê mệt còn nghe tiếng súng nổ. Nhưng lời khai của bị cáo Vinh đã bị tòa bác bỏ thông qua việc thẩm vấn các nhân chứng và công bố lời khai của Vinh trong quá trình điều tra. Đến lúc này, bị cáo cho rằng, những lời khai được công bố trước tòa là do người khác viết, chứ không phải bị cáo khai như vậy.

Chỉ đến khi tòa nhắc nhở sự thành khẩn của bị cáo, thì bị cáo mới khai: “Sau khi bị thương, bị cáo hình dung sự việc rất chậm, trí nhớ cũng kém hẳn, nên từ từ bị cáo mới nhớ ra hành vi của mình, có khi không nhớ”.

* Tranh tụng gay cấn

Phiên tòa trở nên gay cấn khi lời khai của bị cáo và các nhân chứng khác nhau, đồng thời trở nên bất nhất giữa quá trình điều tra và tại phiên tòa.

Bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh cho rằng, cơ quan điều tra đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không cho gia đình bị hại biết bản kết luận điều tra và cáo trạng trước khi phiên tòa diễn ra; không cho bị cáo, bị hại và các nhân chứng đối chất, để đến khi ra tòa mới cho đối chất khiến vụ việc phức tạp. Trong hồ sơ có sự bất nhất về số hiệu khẩu súng, là vật chứng gây án. “Dựa theo pháp luật thì hung khí trong vụ án phải do tòa xử lý, đằng này khẩu súng là hung khí trong vụ án lại được trả lại cho PC67, điều này trái quy định của pháp luật” - luật sư Vinh nói.

Luật sư Kim Vinh cho rằng, bị cáo Vinh có ý thức giết người rất rõ, bởi trước đó bị cáo đã lấy súng và cố tìm anh Sơn để bắn. Theo giám định, anh Sơn bị bắn đạn trúng vào lưng ở phát thứ hai thì không thể nói 2 bên giằng co nhau và súng nổ. “Chỉ khi bị cáo đè anh Sơn xuống rồi tiếp tục nã phát súng thứ hai thì mới trúng vào lưng anh được” - luật sư nêu nghi vấn.

Theo luật sư Kim Vinh, việc bị hại Sơn đấm 2 cái vào mặt bị cáo không thể gọi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng để buộc tội người bị hại. Do đó, không thể cho rằng bị cáo phạm tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh như viện kiểm sát truy tố, mà phải là cố ý giết người. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng đối với bị cáo Vinh.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, việc bất nhất trong hồ sơ vụ án là do sơ suất và cơ quan điều tra đã có đính chính. Bị cáo Vinh được cấp phép sử dụng vũ khí quân dụng trong lúc làm nhiệm vụ và đã sử dụng vũ khí trong tình trạng bị kích động mạnh thì không thể ghép thêm tội như luật sư Vinh đã nêu.

Bác bỏ ý kiến của vị luật sư khi cho rằng cáo trạng đã cố tình đưa vụ án theo hướng giảm nhẹ tội cho bị cáo, đại diện viện kiểm sát khẳng định: “Chúng tôi xem xét tội của bị cáo dựa trên trường hợp gây án, diễn biến sự việc có thật, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật theo công tâm chứ không phải để có lợi, hay bất lợi cho ai”.

Tố Tâm

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều