Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay phòng chống tệ nạn mại dâm

10:10, 27/10/2014

Tại Đồng Nai, công tác tuyên truyền, giáo dục đến đấu tranh triệt xóa các tụ điểm mại dâm đã và đang được các cấp, ngành liên tục thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, tệ nạn này vẫn hiện hữu và có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm có hiệu lực, đây là lúc để các cơ quan chức năng nhìn lại hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn này.

Một chương trình văn nghệ tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân ở Nhơn Trạch. Ảnh: N.T
Một chương trình văn nghệ tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong công nhân ở Nhơn Trạch. Ảnh: N.T

Tại Đồng Nai, công tác tuyên truyền, giáo dục đến đấu tranh triệt xóa các tụ điểm mại dâm đã và đang được các cấp, ngành liên tục thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, tệ nạn này vẫn hiện hữu và có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Thực trạng về tệ nạn mại dâm

Việc phát triển các dịch vụ như: nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke… ở Đồng Nai luôn tiềm ẩn tệ nạn mại dâm. Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tăng hơn 160% so với 10 năm trước (2003). Trong đó dịch vụ về khách sạn, nhà hàng tăng 243%, dịch vụ massage tăng 593%, dịch vụ hớt tóc thanh nữ tăng hơn 630%, dịch vụ cà phê giải khát tăng 157%... Theo thống kê, tổng số tiếp viện, kỹ thuật viên trong các dịch vụ nêu trên là hơn 8.400 người, tăng hơn 183% so với năm 2003.

Qua khảo sát, các đối tượng hoạt động mại dâm đã có chiều hướng giảm mạnh. Tuy nhiên các đối tượng mại dâm đã chuyển hình thức hoạt động nơi công cộng, như: bến xe, ga tàu, công viên… sang hoạt động một cách chuyên nghiệp khép kín. Các đối tượng mại dâm núp bóng dưới các loại hình dịch vụ khác, như: massage, hớt tóc, quán cà phê… để mời chào, sau đó đi vào các nhà nghỉ, khách sạn để hoạt động. Không những thế, các đối tượng này thường móc nối với giới xe ôm, tài xế taxi… để lập đường dây và chỉ giao dịch qua điện thoại.

Phải mạnh tay trong xử lý vi phạm

Trước tính chất hoạt động ngày càng tinh vi của loại tệ nạn này, các ngành chức năng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã được kiện toàn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Quy chế hoạt động của ban chỉ đạo này cũng đã được hình thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong từng lĩnh vực và địa bàn theo dõi.

Trong 10 năm qua cùng với các cơ quan báo, đài, các ngành chức năng đã tổ chức lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền về Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Đến nay đã có hơn 12 ngàn người tham gia các buổi tuyên truyền. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm ngăn ngừa phát sinh tệ nạn cũng đã được thực hiện.

Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng liên tục được thực hiện. Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 6.500 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện, qua đó đã phát hiện và xử phạt đối với 1.800 lượt cơ sở vi phạm, đề xuất xử phạt tiền hơn 20 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có hợp đồng lao động, các đơn vị sử dụng người lao động dưới 18 tuổi, kinh doanh không đúng nội dung… Trong đó một số địa bàn đáng chú ý và thường xuyên bị kiểm tra xử lý, như: huyện Long Thành, Xuân Lộc, TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh…

Đối với lực lượng công an, trong thời gian qua đã triệt phá 233 vụ mua bán dâm, bắt 1.344 đối tượng. Qua đó đã xử lý hành chính 637 đối tượng, 198 đối tượng là chủ chứa bị khởi tố.

Danh Trường

 

Tin xem nhiều