Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý bằng tiền, liệu có đúng luật?

10:11, 19/11/2014

Lâu nay, dư luận râm ran về việc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai (gọi tắt là Trung tâm) xử phạt bằng tiền các trường hợp tài xế xe buýt chạy quá tốc độ. Qua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), Trung tâm phát hiện các xe buýt chạy quá tốc độ và đã tiến hành xử phạt bằng tiền các trường hợp vi phạm này.

Lâu nay, dư luận râm ran về việc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai (gọi tắt là Trung tâm) xử phạt bằng tiền các trường hợp tài xế xe buýt chạy quá tốc độ. Qua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), Trung tâm phát hiện các xe buýt chạy quá tốc độ và đã tiến hành xử phạt bằng tiền các trường hợp vi phạm này.

Thông báo xử lý và phiếu thu phạt tiền của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai đối với các xe buýt vi phạm tốc độ.
Thông báo xử lý và phiếu thu phạt tiền của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai đối với các xe buýt vi phạm tốc độ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai ngày 18-11, Phó giám đốc Trung tâm Lê Văn Đức cho biết, đơn vị không phạt mà “xử lý bằng tiền” các trường hợp vi phạm (trong đó có vi phạm tốc độ) ghi trong hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Trung tâm với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.

Tuy nhiên, trong các quyết định xử lý vi phạm của Trung tâm đều có ghi rõ mục lỗi vi phạm tốc độ và mức phạt tiền. Trong phần phụ lục hợp đồng quy định xử lý “nhóm hành vi vi phạm về an toàn giao thông” của Trung tâm có nêu cụ thể: “Vượt trên 20km/giờ đến 30km/giờ: 1 triệu đồng/lần; vượt trên 30km/giờ: 1,5 triệu đồng/lần…”. Đây thực chất là việc xử phạt bằng tiền của Trung tâm đối với các trường hợp vi phạm tốc độ của tài xế xe buýt bị phát hiện thông qua hộp đen.

Nghị định 171 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định các mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm tốc độ. Nghị định này cũng quy định thẩm quyền người được xử phạt, trong đó không có ghi thẩm quyền các trung tâm thuộc Sở Giao thông - vận tải các địa phương. Việc thu phạt được thực hiện nộp tiền phạt qua Kho bạc Nhà nước. Trong khi đó, các tài xế xe buýt, hợp tác xã vận tải vi phạm nộp tiền phạt chạy quá tốc độ qua phiếu thu nội bộ của Trung tâm.

Về việc xử lý hoạt động vận tải, đã có Thông tư 55 của Bộ Giao thông - vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-4-2014). Trong Thông tư 55 không có quy định xử phạt bằng tiền hành vi vi phạm tốc độ, chỉ xử lý bằng đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu hoạt động của phương tiện vận tải; thẩm quyền xử lý thuộc Giám đốc Sở Giao thông - vận tải.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, chưa có quy định cho lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm tốc độ qua thiết bị giám sát hành trình.

Phó giám đốc Trung tâm Lê Văn Đức cho rằng đơn vị xử phạt theo hợp đồng ký kết giữa Trung tâm và các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng nếu có điều khoản trong hợp đồng trái luật thì điều khoản đó vô hiệu. Chỉ có Nghị định của Chính phủ mới được quy định xử phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính. Ở đây, việc xử lý hành vi chạy quá tốc độ đã được nội quy các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện bằng việc đình chỉ tài xế (đình tài), hoặc tạm ngưng hoạt động của phương tiện (đình chuyến). Nếu hành vi chạy quá tốc độ vừa bị xử lý bằng đình tài, đình chuyến rồi lại bị Trung tâm xử phạt bằng tiền, nghĩa là một hành vi vi phạm bị xử lý 2 lần, sẽ dẫn đến trái luật.

Xử lý nghiêm hành vi chạy quá tốc độ là rất cần thiết để ngăn ngừa tai nạn giao thông, nhất là đối với các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt. Việc đình tài, đình chuyến của các xe buýt nhiều lần vi phạm tốc độ là biện pháp hợp lý, đã đánh vào kinh tế người vi phạm thì việc thu thêm tiền phạt của Trung tâm liệu có đúng quy định của pháp luật (?).

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều