Báo Đồng Nai điện tử
En

Gần tết, "cò" vé tàu lại hoành hành

07:01, 31/01/2015

Những ngày qua, trong khi nhiều hành khách đến ga Biên Hòa mua vé tàu tết phải quay về tay không vì hết vé thì ngay cổng nhà ga, dịch vụ mua bán, trao đổi vé tàu thông qua "cò" lại hoạt động nhộn nhịp.

Những ngày qua, trong khi nhiều hành khách đến ga Biên Hòa mua vé tàu tết phải quay về tay không vì hết vé thì ngay cổng nhà ga, dịch vụ mua bán, trao đổi vé tàu thông qua “cò” lại hoạt động nhộn nhịp.

"Cò" Trung (ngoài cùng bên phải) đang "giao dịch" với khách hàng. Ảnh: Võ Nguyên
"Cò" Trung (ngoài cùng bên phải) đang "giao dịch" với khách hàng. Ảnh: Võ Nguyên

Các “cò” vé khẳng định, khách mua bao nhiêu vé, đi ngày nào cũng còn vé, nếu họ chịu chi thêm 300-400 ngàn đồng/vé tàu. Để ngăn chặn tình trạng tiếp tay cho “cò” vé hoạt động, nhà ga kiên quyết không giải quyết cho khách lên tàu nếu không đúng thông tin cá nhân in trên vé.

* “Cò” vé tàu tết: ngày nào cũng có

Càng đến gần tết, việc mua vé tàu vào những ngày cao điểm hay mua vé đúng tên, số chứng minh nhân dân ghi trên vé càng trở nên “nóng” hơn so với ngày thường. Lợi dụng tình hình này, “cò” vé hoạt động rầm rộ với nhiều hình thức, “chiêu” lừa khác nhau.

Ngày 22-1, thấy chúng tôi rời ga Biên Hòa vì không mua được vé tàu, một người đàn ông tên Tuấn bán nước ở gần ga chạy tới hỏi: “Mua vé tàu tết không được hả? Anh cho em biết, từ ngày 24 tháng Chạp trở đi, ga không còn vé đâu”.

“Em muốn mua vé về Thanh Hóa ngày 28 tết, có không anh?” - chúng tôi hỏi.

“Cò” Tuấn lấy mảnh giấy trong túi ra dò một hồi rồi lắc đầu nói: “Hiện tại anh chỉ có vé từ ngày 26 tết trở về trước”. Tiếp đó, “cò” Tuấn móc điện thoại gọi và một lúc sau trả lời: “Có vé rồi. Em đặt cọc trước 100 ngàn đồng, đi đâu đó khoảng 30 phút nữa quay lại phải đợi đại lý mang tới”.

Không chờ được lâu, chúng tôi ra về thì được “cò” Trung đứng ngay trước cổng nhà ga đón lỏng “dụ” mua vé. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cò” Trung hàng ngày hành nghề chạy xe ôm, nhưng vào dịp ga Biên Hòa mở bán vé tàu tết lại chuyển sang làm “cò” vé. Nhiều người cho biết, “cò” Trung là “trùm” vé tàu tết ở khu vực này. Những “cò” khác đều mua lại vé tàu từ tay “cò” Trung, sau đó phải chi thêm từ 50-100 ngàn đồng/vé (tùy vào ngày đi) cho “cò”Trung.

“Vé tàu đi ngày nào anh cũng có. Về Thanh Hóa, chi phí tổng cộng hơn 1,4 triệu đồng, bọn anh chỉ lời 30 ngàn đồng/vé… Chục vé anh vẫn mua được mà!” - “cò” Trung nói.

Khi một người mua vé tàu từ “cò” Trung tỏ vẻ băn khoăn, sợ không được lên tàu vì trên vé không ghi đúng tên, số chứng minh nhân dân thì “cò” Trung trấn an: “Em yên tâm, vé anh lấy từ đại lý, họ bao cho em đi luôn. Vé từ trong… đưa ra chứ đâu? Mấy thằng đưa vé cho mình thì nó kiểm tra chứ ai kiểm”.

Sau khi thỏa thuận xong, “cò” Trung đưa ra giá vé về Thanh Hóa ghế ngồi cứng tàu TN22 hơn 1 triệu đồng, ngồi ghế mềm có máy điều hòa 1,38 triệu đồng, mỗi vé “cò” Trung thu thêm 400 ngàn đồng/vé. Nếu mua vé khứ hồi, “cò” Trung giảm 50 ngàn đồng/vé.

Khi khách yêu cầu được xem vé trước, “cò” Trung bảo sẽ có vé ngay và cho biết Trung bán ở đây nhiều năm nay rồi, chưa ai phàn nàn điều gì. Còn chuyện vé có tên và số chứng minh nhân dân không đúng cũng không sao, chẳng ai kiểm tra. Đến ngày đi, “cò” Trung sẽ dẫn khách lên ga và “gửi gắm” với nhân viên tàu, không lo bị ai gây khó dễ hay đuổi xuống tàu.

* Cẩn thận khi mua vé của “cò”

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những “cò” vé bán cố định như Trung và Tuấn…, còn có nhiều “cò” tự xưng là khách đã mua được vé tàu nhưng vì không muốn đi nên bán lại. Để người mua yên tâm, “cò” đưa ra chứng minh nhân dân gốc trùng với thông tin ghi trên vé tàu, nhưng hầu hết ảnh dán trên chứng minh nhân dân đã bị gỡ bỏ. Với “chiêu” này, “cò” vé đã hợp thức hóa được vé “lậu” và không ít người mua vé dễ tin đã bị trúng kế.

Những người này cho biết, nếu không thông qua “cò” thì không có vé tàu vì nhà ga đã hết vé bán. Chỉ cần một cuộc điện thoại, khách hàng muốn bao nhiêu cũng có, thậm chí còn được giao vé tận nơi.

Khi chúng tôi liên hệ với nhân viên bán vé tại ga Biên Hòa thì được phía nhà ga khẳng định, vé tàu đi các tỉnh phía Bắc từ ngày 23-28 tháng Chạp đã hết.

Đại diện ga Biên Hòa thừa nhận có tình trạng “cò” hoạt động vào thời điểm ga triển khai bán vé tàu tết; đồng thời khẳng định không có bất kỳ đại lý hay nhân viên nào của ga bán vé tàu tết cho “cò”. Vé tàu được đưa công khai lên mạng nên một số đối tượng đầu cơ tự đặt chỗ với thông tin tên, số chứng minh nhân dân của họ hoặc một người nào đó để mua vé rồi đem ra bán lại cho khách.

Ngoài tiền thu được nhờ bán vé qua trung gian, “cò” Trung còn bỏ túi một khoản tiền khác khi hưởng chênh lệch từ những người đến trả, đổi vé. Theo quy định của ngành đường sắt, khi trả lại vé hành khách bị trừ 30% giá trị của vé; nếu thông qua “cò” Trung khách chỉ bị trừ khoảng 10%. Càng đến những ngày gần tết, lượng khách đến trả vé khá đông, với số vé “mua” được, “cò” Trung thoải mái bán lại cho khách có nhu cầu.

Bà Phạm Thị Thanh Hòa, Trạm trưởng kinh doanh vận tải khu vực ga Biên Hòa, lý giải: “Những trường hợp khách mua vé lại từ “cò” vé chắc chắn sẽ không trùng khớp với thông tin người đi tàu. Trường hợp này coi như vé không hợp lệ và không được giải quyết lên tàu. Vì vậy, hành khách không nên tin lời khi mua vé từ “cò”.

Để siết tình trạng bán vé qua trung gian là “cò” vé, ngay từ khi triển khai bán vé tàu tết, ga Biên Hòa đã thông báo, từ ngày 1-1-2015, trên vé tàu phải ghi đúng tên và số chứng minh nhân dân của hành khách thì hành khách mới được lên tàu. Nghe thông tin này, không ít hành khách có vé nhưng không phải tên mình “ăn ngủ không yên” vì đã phải bỏ ra số tiền lớn để mua vé từ “cò” lại không được lên tàu.

Theo bà Hòa, từ ngày 8-2 đến ngày 8-3, ga Biên Hòa sẽ tổ chức kiểm soát khi hành khách lên tàu. Trường hợp khách đi tàu cầm vé không đúng với thông tin về khách được in trên vé thì có thể đổi lại và phải chịu chi phí khấu hao. Một trong những mục đích của việc bán vé tàu trên mạng của ngành đường sắt là bảo đảm vé đến đúng hành khách có nhu cầu, ngăn chặn tình trạng mua vé ảo và “cò” vé. Vì thế, nhà ga sẽ kiên quyết không cho lên tàu nếu không đúng thông tin cá nhân của hành khách.

“Nếu khách mua vé rồi không đi nữa thì làm thủ tục trả lại vé cho ga theo quy định nhằm tránh tiếp tay cho “cò” mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch, hạn chế rủi ro trong việc mua vé thông qua “cò” - bà Hòa cho biết thêm.

Võ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều