Báo Đồng Nai điện tử
En

Phóng viên "làm bậy" lãnh án 10 năm tù

12:01, 24/01/2015

Ngày 23-1, Tòa án nhân dân tỉnh đã xử phạt Võ Thanh Tùng (33 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nguyên phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh thường trú ở Đồng Nai) 10 năm tù về 2 tội: cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Ngày 23-1, Tòa án nhân dân tỉnh đã xử phạt Võ Thanh Tùng (33 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nguyên phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh thường trú ở Đồng Nai) 10 năm tù về 2 tội: cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Bị cáo Võ Thanh Tùng (bìa phải) tại phiên tòa.
Bị cáo Võ Thanh Tùng (bìa phải) tại phiên tòa.

Đồng phạm của Tùng, bị cáo Nguyễn Văn Tài (23 tuổi, ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) lãnh 5 năm tù về 2 tội danh trên.

Bị cáo Dương Văn Minh (26 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) lãnh án 1 năm 5 tháng 16 ngày tù về tội cưỡng đoạt tài sản; Nguyễn Kim Cương (36 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, nguyên phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Đồng Nai) lãnh án 5 tháng 28 ngày tù về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (bằng thời gian tạm giam).

* Tống tiền

Theo cáo trạng, vào tháng 7-2013, Tùng được Tòa soạn Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thu thập tài liệu tại các quán bar, điểm đá gà, nơi kiểm tra giao thông để viết bài. Theo đó, Tùng đã yêu cầu Tài và Minh (cộng tác viên của Tùng) thâm nhập vào các quán bar ở TP.Biên Hòa và TX.Thủ Dầu Một (Bình Dương) để thu thập thông tin.

Sau một thời gian thu thập thông tin, ngày 29-7-2013 Tùng đã viết bài gửi tòa soạn cho đăng loạt bài “Vào quán bar xem múa cột”, phản ảnh việc tổ chức múa cột tại quán bar MTM (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Sau khi báo đăng, chủ quán bar Trần Thế Duy Thanh đã liên hệ với Tùng để phản ảnh việc kinh doanh của quán bar không đúng như báo đăng và hẹn gặp Tùng để thương lượng không đăng bài nữa. Sau nhiều lần gặp nhau, anh Thanh đã 3 lần đưa tiền cho Tài và Tùng tổng cộng 65 triệu đồng. Ngày 7-8-2013, khi Tùng vừa nhận của anh Thanh 50 triệu đồng thì bị công an bắt giữ.

Tại tòa, Tùng cho rằng việc nhận tiền của anh Thanh là do sự “giới thiệu” của anh N. (nguyên cán bộ Cảnh sát 113 Công an tỉnh). Tùng khai, sau khi loạt bài về quán bar khởi đăng kỳ 1 thì anh N. gọi điện cho Tùng nói “Thanh là chỗ anh em nên có gì bỏ qua”. Theo bị cáo Tùng, mục đích của cuộc gặp là để nói chuyện giúp quán bar anh Thanh không bị tước giấy phép. Riêng việc đăng báo, đến thời điểm gặp nhau thì cả 4 kỳ báo về quán bar đã được đăng nên không còn gì để nói. Cũng theo Tùng, điểm hẹn đưa và nhận tiền là do anh Thanh chọn sau nhiều lần hẹn tại các địa điểm khác.

* “Bảo kê” xe tải

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Tùng đã nhận “bảo kê” cho hàng chục xe tải thường vận chuyển hàng hóa qua địa bàn Đồng Nai khỏi bị lực lượng chức năng xử phạt.

Cụ thể, ngày 10-6-2013, qua giới thiệu của anh N., Tùng đã gặp và làm việc với anh Hồ Ngọc Toàn (ngụ phường Tân Hiệp) để “bảo kê” cho 11 chiếc xe vận chuyển thức ăn gia súc về lỗi quá tải với giá 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Sau khi nhận “bảo kê” số xe này, Tùng đã giao cho Tài chịu trách nhiệm nắm biển số xe và báo lại cho Tùng khi bị cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, Tùng còn nhận bảo kê cho hàng chục xe tải khác, trong đó có những chiếc lên đến 6 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền Tùng nhận từ việc bảo kê hơn 124 triệu đồng.

Ngoài việc nhận 65 triệu đồng của anh Thanh, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng xác định, từ tháng 4 đến tháng 5-2013, Tùng đã sử dụng các đoạn phim quay tại một số trường gà ở tỉnh Lâm Đồng để tống tiền anh Trần Lê Anh Nhân (cảnh sát giao thông Trạm Mađagoui, tỉnh Lâm Đồng). Do đã vào trường gà xem đá gà, anh Nhân sợ bị ảnh hưởng đến công việc nên đã đưa cho Tùng 200 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi quay được cảnh anh Trần Xuân Thanh (nguyên cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an huyện Thống Nhất) dừng phương tiện trên quốc lộ 20, Tùng đã gọi điện tống tiền anh Thanh. Sợ có sai sót trong nghiệp vụ, anh Thanh đã hẹn gặp và đưa cho Tùng 150 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền Tùng đã chiếm đoạt trên 415 triệu đồng và đã chia cho Tài 21 triệu đồng, Minh 1 triệu đồng.

Do nhận “bảo kê” xe quá nhiều, không thể kiểm soát hết nên Tùng đã gọi điện nhờ Nguyễn Kim Cương “giúp đỡ”. Tùng chỉ đạo Tài nói với các tài xế khi xe bị lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông bắt phạt thì nói “xe của Kim Cương”, nếu không được giải quyết cho đi thì gọi điện cho Kim Cương giải quyết. Số tiền mà Cương nhận được trong việc “bảo kê” xe tải là 19,5 triệu đồng.

Tại phiên tòa, khi được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, Tùng đã xin tòa áp dụng mức án nhẹ cho 3 bị cáo còn lại. Theo Tùng, việc các bị cáo: Tài, Minh và Cương phạm tội đều do Tùng chỉ đạo và đề xuất. Tùng cũng gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo cơ quan nơi mình công tác và các đồng nghiệp, chỉ vì hành động sai trái của Tùng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan và những người làm báo chân chính.

Nhóm P.V

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều