Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý cho Dự thảo Luật Dân sự: Những quy định cần xem lại

02:04, 21/04/2015

Qua triển khai lấy ý kiến nhân dân, các sở, ban, ngành… ở Đồng Nai về Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS), nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh cho phù hợp các vấn đề, quy định về: quyền nhân thân, hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, trách nhiệm của cơ quan trong việc bảo vệ quyền dân sự…

Qua triển khai lấy ý kiến nhân dân, các sở, ban, ngành… ở Đồng Nai về Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS), nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh cho phù hợp các vấn đề, quy định về: quyền nhân thân, hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, trách nhiệm của cơ quan trong việc bảo vệ quyền dân sự…

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý… tiếp tục được Dự thảo Bộ luật Dân sự ghi nhận. Trong ảnh: Người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) nhờ Hội Luật gia tỉnh giải đáp vấn đề liên quan đến việc làm “sổ đỏ”.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý… tiếp tục được Dự thảo Bộ luật Dân sự ghi nhận. Trong ảnh: Người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) nhờ Hội Luật gia tỉnh giải đáp vấn đề liên quan đến việc làm “sổ đỏ”.

* “Bảo vệ quyền dân sự”: bỏ hay giữ?

Ông Nguyễn Minh, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, góp ý: “Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, không nên quy định vấn đề này trong BLDS”. Theo ông Minh, Dự thảo BLDS quy định tòa án có thể giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp luật không có quy định, thì nên giao cho tòa án quyền “giải thích pháp luật”. Theo đó, gặp trường hợp pháp luật không có quy định thì thẩm phán, hội thẩm nhân dân căn cứ các nguyên tắc chung của pháp luật, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng để đưa ra phán quyết.

Ông Minh nhấn mạnh, các khái niệm này quá trừu tượng, không có tiêu chí rõ ràng. Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cũng không trao quyền giải thích pháp luật (theo nghĩa rộng như trên) cho tòa án. Quy định này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của tòa án nên phải quy định trong Luật Tổ chức tòa án, hoặc Luật Tố tụng dân sự.

Về vấn đề này, luật sư Vũ Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Hội Luật gia tỉnh, cho biết có 2 dòng quan điểm. Nhóm ý kiến thứ nhất (chủ yếu do cán bộ, thẩm phán tòa án) cho rằng, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền giải thích pháp luật. Vì vậy, nếu quy định như Dự thảo BLDS thì thẩm phán sẽ rất khó xử lý, nhất là chúng ta chưa có quy định áp dụng án lệ. Nhóm ý kiến thứ hai thì nhất trí với quy định của Dự thảo BLDS, vì nó sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để hơn. Bởi, tòa án có trách nhiệm xem xét, giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh; đồng thời nó cũng phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013.

* Về quyền nhân thân

BLDS hiện hành quy định 26 quyền nhân thân khác nhau, từ Điều 26 đến Điều 51. Dự thảo BLDS lần này tiếp tục quy định 20 quyền nhân thân, từ Điều 31-50. Ngoài ra, Điều 51 dự thảo quy định các quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ  theo Hiến pháp và pháp luật.

Luật sư Vũ Mạnh Hùng cho biết, phần lớn các ý kiến đóng góp đều đồng ý như Dự thảo BLDS. Bởi vì, BLDS cần quy định cụ thể, chi tiết các quyền nhân thân đã được quy định trong Hiến pháp làm cơ sở cho các luật, hoặc văn bản dưới luật khác quy định, bảo vệ các quyền nhân thân của cá nhân; việc quy định cụ thể các quyền nhân thân sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Minh thì cho rằng, BLDS không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được quy định trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhân thân nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp, gồm: quyền xác định lại giới tính; quyền đối với hình ảnh; quyền được khai sinh, khai tử…

* Các vấn đề khác

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, Khoản 3, Điều 11, Mục I, Chương II của Dự thảo BLDS quy định: “Trong trường hợp người chưa đủ 18 tuổi kết hôn hợp pháp theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì người này thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự như người thành niên”. Tuy nhiên, tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định điều kiện kết hôn: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Do vậy, việc quy định về tuổi kết hôn của Dự thảo BLDS không cần thiết, đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 11, Mục I, Chương II của dự thảo.

Nhiều ý kiến đóng góp cũng đề nghị sửa lại Điểm c, Khoản 4, Điều 635 Dự thảo BLDS như sau: “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này”. Bởi, nếu quy định như dự thảo “di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1 điều này”, nghĩa là chỉ cần người lập di chúc là người thành niên, hoặc việc lập di chúc của người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý đã có hiệu lực mà không cần các điều kiện về tính tự nguyện và điều kiện về mục đích, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội (quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 635 của Dự thảo BLDS).

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều