Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo thực trạng giết người do nguyên nhân xã hội

07:02, 16/02/2016

Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bộc phát nhất thời cũng có thể dẫn đến án mạng.

Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bộc phát nhất thời cũng có thể dẫn đến án mạng. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh, từ năm 2009-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 452 vụ án giết người, trong đó có 411 vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Bình quân mỗi năm xảy ra 65 vụ giết người, trong đó có 59 vụ giết người do nguyên nhân xã hội.

Cơ quan tố tụng dựng lại hiện trường vụ Nguyễn Thị Phin giết mẹ để cướp tài sản mang bán để trả nợ.
Cơ quan tố tụng dựng lại hiện trường vụ Nguyễn Thị Phin giết mẹ để cướp tài sản mang bán để trả nợ.

Những vụ án giết người không chỉ gây hoang mang dư luận, kẻ gây án phải chịu hình phạt, mà gia đình của cả nạn nhân và kẻ gây án đều phải gánh chịu hậu quả về vật chất lẫn tinh thần.

* Va chạm nhỏ… cũng chết

Qua phân tích các vụ án giết người, Trung tá - TS.Bùi Thành Chung, Phó trưởng phòng PC45, đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tội phạm giết người còn diễn biến phức tạp, nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn phát sinh khi sử dụng rượu bia, do thù tức kéo dài âm ỉ, mâu thuẫn trong quan hệ tình ái, hay từ câu nói khiếm nhã, thách thức...

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, đối tượng gây án đa phần là nam giới, tuổi đời từ 18-30, trình độ văn hóa thấp, nghề nghiệp không ổn định. Người từ nơi khác đến Đồng Nai sinh sống rồi gây án chiếm đến 30,6%; người gây án dưới 18 tuổi chiếm đến 8,5%. Nạn nhân trong các vụ án giết người phần lớn có mối quan hệ với thủ phạm, như: bạn bè, quen biết hoặc quan hệ họ hàng, tình cảm. Từ mối quan hệ trong cuộc sống đã làm nảy sinh mâu thuẫn, cộng với trình độ văn hóa thấp, coi thường tính mạng người khác (nhất là khi có sử dụng rượu, bia) rất dễ xảy ra án giết người. Điều này lý giải phần lớn các vụ án giết người thời gian qua xảy ra mang tính bộc phát.

Trung tá Chung phân tích thêm, các yếu tố xã hội, như: kinh tế, nghề nghiệp, di dân, văn hóa, hiệu quả công tác quản lý địa bàn… tác động rất lớn đến nguyên nhân của tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng. Lối sống có tình nghĩa, “mình vì mọi người” đang trở nên xa lạ đối với một bộ phận người dân, thay vào đó là lối hành xử ích kỷ, bất chấp luân thường đạo lý. Mâu thuẫn không được giải quyết bằng lối hành xử đúng đắn, mà được các đối tượng lựa chọn bạo lực để giải quyết xung đột.

Sự kém hiểu biết về xã hội, về pháp luật và chuẩn mực đạo đức đã hình thành lối sống, suy nghĩ tiêu cực, thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, ứng xử với nhau bằng bạo lực đang là một trong những nguyên nhân làm cho tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội ngày càng phức tạp, đa dạng về tính chất, thủ đoạn gây án.

Một bộ phận người dân sợ bị trả thù, liên lụy nên không tham gia ngăn chặn, tố giác tội phạm. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, văn hóa giao tiếp cũng chưa được chú trọng. Nhà trường chưa có các biện pháp thiết thực trong giáo dục học sinh, còn để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, đánh nhau và từ đó một bộ phận lớp trẻ đang hình thành lối sống nghèo cảm xúc, ưa bạo lực trong ứng xử, là nguyên nhân làm cho tội phạm giết người ngày càng phức tạp.

Làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người, Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Phó trưởng phòng PC45, trăn trở: “Trước đây, người dân miền Tây Nam bộ hiền lành, chất phác, nhưng gần đây họ đến các khu công nghiệp làm ăn bị dân địa phương, người các vùng miền khác lấn át nên phản kháng, tạo tâm lý kết băng nhóm giải quyết xung đột, mâu thuẫn. Thời gian từ khi phát sinh động cơ đến lúc gây án diễn ra rất nhanh, gây bất ngờ đối với người xung quanh và cơ quan chức năng, khiến công tác phòng, chống loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn”.

Ngày 11-6-2013, do có mâu thuẫn với anh Phạm Thanh Trung (ngụ TP.Hồ Chí Minh) trong lúc làm việc tại công ty, Bùi Văn Dũng (tạm trú xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) đã rủ bạn cùng phòng trọ Đinh Văn Công xách dao nhọn đến trước cổng công ty (ở huyện Nhơn Trạch) đâm anh Trung tử vong.

* Người trong nhà cũng giết nhau

Quan hệ họ hàng, máu mủ là thứ quan hệ tình cảm thiêng liêng, vậy mà từ năm 2009-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 52 vụ giết người mà nạn nhân và kẻ gây án có quan hệ họ hàng, khiến 53 người chết. Riêng năm 2015 đã xảy ra 12 vụ, 12 nạn nhân bị người trong nhà, họ hàng sát hại. Nguyên nhân dẫn đến những vụ án giết người đau lòng này, theo Thượng tá Sơn là do tình trạng bạo lực gia đình, sự giáo dục và nêu gương từ trong gia đình không có; chính quyền cơ sở chưa quan tâm sâu sát, không làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở ngay từ đầu.

Trung tá Bùi Thành Chung  Phó trưởng phòng PC45 (Công an tỉnh), cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ án anh em giết nhau vì tranh giành đất đai, tài sản cha mẹ để lại. Đó là dấu hiệu báo động về sự xuống cấp đạo đức, sự bức bách về tâm lý trong đời sống gia đình, xã hội, hình thành nên lối suy nghĩ lệch lạc mà thủ phạm gây án không nghĩ tới. Để phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội một cách hiệu quả nhất, không chỉ có lực lượng công an mà đòi hỏi sự góp sức của các cấp, ngành, tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, mọi người tôn trọng nhau, tôn trọng giá trị cuộc sống và tôn trọng pháp luật, loại trừ những nguyên nhân có thể sinh ra cái ác vào bất cứ hoàn cảnh và thời điểm nào.

Ngày 5-10-2015, do nhậu với bạn bè nên Vũ Đức Trung (ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đưa con về nhà trễ. Bị vợ (chị Trần Thị Thủy) trách cứ, cộng với những mâu thuẫn âm ỉ trước đó, Trung đã lấy dao cắt cổ vợ. Bà Khẩn (mẹ chị Thủy) can ngăn cũng bị Trung đe dọa giết.

Giết vợ, Trung phải gánh chịu sự giày vò về thể xác lẫn tinh thần. Giờ đây, Trung biết nhận ra lỗi lầm thì đã quá muộn. Trong giây lát, chỉ vì rượu, vì không tự kiềm chế bản thân, Trung đã đổ dồn gánh nặng nuôi 2 con của mình lên đôi vai người mẹ già, phải chờ ngày ra tòa chịu sự phán xét của pháp luật.

Không chỉ vợ chồng đầu ấp tay gối, nhiều vụ anh em, cha mẹ và con cái đã trở thành kẻ gây án và nạn nhân. Nhiều người vẫn chưa quên vụ Nguyễn Thị Phin (ngụ huyện Trảng Bom) giết mẹ, cướp tài sản ngày 18-2-2015. Chỉ vì bức bách không có tiền trả nợ và đóng hụi, Phin đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của mẹ bằng cái chày sắt.

Gần đây nhất, xuất phát từ những mâu thuẫn âm ỉ trong cuộc sống, vào ngày 4-2, ông Lương Thanh Bình (43 tuổi) và người cháu Lê Duy Thành (33 tuổi), đều ngụ phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), đã dùng dao chém nhau khiến cả hai đều mất mạng.

Tính mạng con người là thiêng liêng, không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác trái pháp luật. Hãy coi trọng và bảo vệ sự sống của người khác như chính mình. Đừng để một giây phút nông nổi để rồi phải trả giá, khi nhận ra lỗi lầm thì đã quá muộn.

Văn Nhuệ

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều