Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên: Sự bình đẳng trong xét xử

12:05, 16/05/2016

Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có công văn gửi TAND các cấp về việc triển khai mô hình chỗ ngồi trong phòng xử án.

Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có công văn gửi TAND các cấp về việc triển khai mô hình chỗ ngồi trong phòng xử án.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự hiện nay.
Quang cảnh một phiên tòa hình sự hiện nay.

Đây là một trong những nội dung nhằm thể chế hóa các định hướng, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013. Trong đó có việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự của luật sư.

* Luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên

Theo công văn của TAND tối cao, căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 27-11-2015, việc bố trí lại phòng xử án là một trong những nội dung cần sớm được triển khai, góp phần cải cách tư pháp và cụ thể hóa các nội dung trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định.

Trước những yêu cầu đó, TAND tối cao đã triển khai nghiên cứu và xây dựng mô hình phòng xử án các vụ hình sự thông thường và mô hình phòng xử án hình sự cho người dưới 18 tuổi.

Kèm theo công văn của TAND tối cao là phụ lục mô hình phòng xét xử các vụ án hình sự thông thường sẽ được bố trí khác so với mô hình hiện nay. Cụ thể, chỗ ngồi của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa và luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo sẽ được bố trí ở hai bên, phía trước mặt Hội đồng xét xử. Với mô hình này, trong phiên tòa, kiểm sát viên và luật sư sẽ ngồi ở những vị trí ngang hàng nhau mà không phải là kiểm sát viên ngồi trên, luật sư ngồi dưới như hiện nay.

Công văn của TAND tối cao cũng yêu cầu chánh án các tòa án cấp dưới góp ý để hoàn thiện mô hình mà TAND tối cao đề xuất. Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai các mô hình phòng xử án hình sự mới, TAND tối cao cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng lập dự toán chi tiết, sát với thực tế nhằm bảo đảm tiết kiệm và đúng quy định của pháp luật.

* Bình đẳng, dân chủ trong xét xử

Với mô hình phòng xử án mới của TAND tối cao, luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho rằng, về mặt hình thức thì mô hình phòng xử án mới thể hiện sự dân chủ giữa các bên tham gia phiên tòa.

Theo luật sư Định, lâu nay việc bố trí chỗ ngồi cho kiểm sát viên (ngồi trên) và luật sư (ngồi dưới) thể hiện kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng, còn luật sư chỉ là người tham gia tố tụng. Nhưng trong xu thế hiện nay, việc xét xử một vụ án phải được đề cao vấn đề tranh tụng tại phiên tòa. Để làm được điều đó, trước hết về mặt hình thức phải thay đổi vị trí của luật sư và kiểm sát viên để đảm bảo nguyên tắc này.

- Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác. Chánh án TAND tối cao quy định chi tiết điều này”.

- Khoản 4, Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc xét xử đối với người dưới 18 tuổi: “Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”.

Luật sư Định cũng cho biết, việc bố trí chỗ ngồi của luật sư và kiểm sát viên trong một phiên tòa mới chỉ là hình thức, điều quan trọng là các bên phải đưa ra được chứng cứ pháp lý và lập luận của mình để chủ tọa và Hội đồng xét xử xem xét. Luật sư Định phân tích, trong một vụ án nếu “trọng cung” hơn “trọng chứng” thì những lời khai của bị cáo tại phiên tòa chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ. Nhưng khi nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được đề cao thì lời khai của bị cáo cũng như những lập luận, chứng cứ của luật sư đưa ra tại phiên tòa rất quan trọng. Đó là những cơ sở để đối chứng lại lời buộc tội của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. Để đảm bảo nguyên tắc đó, trước hết phải sắp xếp, bố trí lại chỗ ngồi cho phù hợp và bình đẳng giữa luật sư và kiểm sát viên.

Một khi mô hình phòng xử án được đảm bảo, nguyên tắc tranh tụng cũng được đề cao thì Hội đồng xét xử chỉ là người cân nhắc chứng cứ và lập luận của kiểm sát viên (buộc tội), luật sư (gỡ tội) để đưa ra một phán quyết công bằng nhất.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích