Báo Đồng Nai điện tử
En

Thờ ơ với nạn nhân tai nạn giao thông có thể bị phạt nặng

10:06, 26/06/2016

Trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), bên cạnh những người xông xáo cứu giúp nạn nhân bất chấp ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bản thân, cũng có không ít trường hợp nhìn thấy, thậm chí trực tiếp gây tai nạn rồi phóng xe bỏ chạy mà để mặc nạn nhân khiến nhiều người bức xúc.

Trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), bên cạnh những người xông xáo cứu giúp nạn nhân bất chấp ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bản thân, cũng có không ít trường hợp nhìn thấy, thậm chí trực tiếp gây tai nạn rồi phóng xe bỏ chạy mà để mặc nạn nhân khiến nhiều người bức xúc.

Dưới góc độ pháp luật, không cứu người trong tình trạng nguy hiểm sau khi xảy ra TNGT là vi phạm pháp luật.

* Gây tai nạn rồi bỏ trốn

Ngày 8-6, một xe đầu kéo lưu thông trên quốc lộ 51, hướng TP.Biên Hòa - huyện Long Thành, khi đến đoạn thuộc xã An Phước (huyện Long Thành) thì phần rơ-moóc bất ngờ bung khỏi đầu kéo, rồi lao vào sạp bán trái cây bên đường làm chủ sạp Nguyễn Thị Ngọc Anh bị rơ-moóc đâm trúng, thương tích rất nặng. Sau khi tai nạn xảy ra, tài xế xe đầu kéo đã bỏ đi khiến nhiều người rất bất bình.

Người dân tích cực tham gia hỗ trợ chữa cháy một xe máy bị cháy khi đang lưu thông trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) vào tháng 3-2016.
Người dân tích cực tham gia hỗ trợ chữa cháy một xe máy bị cháy khi đang lưu thông trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) vào tháng 3-2016.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 12-4, một nam thanh niên điều khiển xe máy trên quốc lộ 1, hướng Bình Thuận - TP.Hồ Chí Minh, đến đoạn thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) thì xảy ra va quẹt với xe máy khác nên ngã xuống đường. Cùng lúc, xe container từ sau trờ tới cán nạn nhân chết tại chỗ. Điều đáng nói là sau tai nạn, tài xế xe container tiếp tục bỏ chạy. Nhiều người đuổi theo gần 3km, đến Công viên 30-4 (TP.Biên Hòa) mới chặn được xe cán chết người lại. Tài xế sau đó được đưa về trụ sở công an để điều tra.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ tài xế bỏ mặc nạn nhân sau khi gây tai nạn. Có thể sau khi gây tai nạn, do lo sợ bị quy trách nhiệm, hoặc tâm lý hoảng sợ khi nhìn thấy chết người nên một số tài xế đã lái xe bỏ trốn.

Một cán bộ cảnh sát giao thông chia sẻ, khi tai nạn xảy ra nếu nạn nhân được cứu giúp kịp thời thì họ có thể được cứu sống, hoặc mức độ nghiêm trọng của chấn thương giảm đi rất nhiều. Việc có mặt tại hiện trường của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn còn tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn, cũng như có hướng giải quyết và xử lý kịp thời.

Nếu tài xế gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường khiến dư luận xã hội bức xúc, thì những người chứng kiến TNGT xảy ra mà không hề có bất kỳ hành động nào để giúp đỡ nạn nhân, hoặc bỏ đi khi thấy sự việc xảy ra cũng thật đáng trách. Từ những hành vi này, đã có nhiều ý kiến cho rằng nhiều người đã quá thờ ơ và vô cảm trước nỗi đau của người khác.

* Bảo vệ người cứu giúp nạn nhân

Bên cạnh vấn đề đạo đức, pháp luật hiện hành có những quy định về việc cứu giúp người bị TNGT. Khoản 1, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ TNGT có trách nhiệm: “Dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Đồng thời, phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất…”.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-8 cũng quy định, đối với trường hợp không cứu giúp người bị TNGT khi có yêu cầu, hoặc từ chối giúp đỡ sẽ bị xử phạt bằng tiền. Cụ thể, đối với cá nhân có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng và tập thể có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Lê Văn Nhân (Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh), cho biết theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7), nếu gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm. Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn cũng có thể cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (không phân biệt trường hợp TNGT hay các trường hợp khác, như: tai nạn lao động, bị tấn công…).

Theo đó, hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm được quy định khá rõ, nhưng tình tiết cố ý không cứu giúp người bị nạn vẫn còn lấn cấn và chung chung. “Việc không cứu giúp người bị nạn rất đáng phê phán, nhưng để xem xét có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ và xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp” - luật sư Nhân nhấn mạnh.

Do đó, việc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu biết về hành vi không cứu giúp người bị nạn do TNGT không những vi phạm về mặt đạo đức, mà còn vi phạm pháp luật là rất quan trọng. Bởi lẽ, có những người tham gia sơ cấp cứu cảm thấy e ngại khi cơ quan chức năng liên tục gọi đến làm nhân chứng, nhất là trong các vụ việc liên quan đến tố tụng.

“Luật pháp đang thiếu những quy định bảo vệ cho người cứu giúp nạn nhân bị TNGT. Trong quá trình cấp cứu người bị nạn, nếu người giúp đỡ gây ra thương tích thêm cho nạn nhân mà không phải do chủ ý của họ thì hoàn toàn được pháp luật bảo vệ để người dân thấy được đây là trách nhiệm và việc làm ý nghĩa cần phải làm” - luật sư Nhân nói.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều